Thứ Hai, 11/09/2023, 09:53 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Không chủ quan với sốt xuất huyết

Hiện nay đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) sinh sôi. Tình hình dịch SXH đang diễn biến hết sức phức tạp và Tiền Giang cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong do SXH trong năm 2023. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần ý thức tự giác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và môi trường xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.

SXH DIỄN BIẾN THẤT THƯỜNG

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, trong tuần 35, toàn tỉnh ghi nhận 58 ca mắc SXH, giảm 23,6% so với tuần trước. Nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay lên 2.176 ca, giảm gần 59% so với cộng dồn cùng kỳ năm 2022. Tuy số ca mắc SXH hiện tại thấp hơn so với cùng kỳ nhưng điều đáng lo ngại là đã xảy ra 1 trường hợp tử vong do SXH.

Đó là bệnh nhi 3 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy, tử vong vào ngày 6-9-2023 với chẩn đoán xuất huyết phổi, sốc SXH Dengue nặng. Ngay khi nhận thông tin có ca mắc SXH, địa phương đã thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại 340 hộ dân ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hạnh Trung và sau đó xử lý ổ dịch theo đúng quy trình.

Cần chủ động diệt trừ lăng quăng để phòng muỗi SXH lây truyền bệnh.  (Ảnh: Các ngành chức năng giám sát lăng quăng, muỗi tại hộ gia đình).
Cần chủ động diệt trừ lăng quăng để phòng muỗi SXH lây truyền bệnh. (Ảnh: Các ngành chức năng giám sát lăng quăng, muỗi tại hộ gia đình).

Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc phụ trách CDC Tiền Giang cho biết, tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Cho đến thời điểm này, Cái Bè là huyện có số ca mắc SXH cao nhất của tỉnh với 643 ca; kế đến là huyện Cai Lậy với 395 ca, huyện Gò Công Đông 272 ca và TX. Cai Lậy 244 ca.

Huyện Tân Phú Đông là địa phương từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận ca mắc SXH nào. Trong tuần qua, toàn tỉnh không có huyện ghi nhận ca mắc SXH vượt đường cong chuẩn, có 9 xã thuộc 4 huyện có ca mắc SXH vượt đường cong chuẩn và 19 xã thuộc 7 huyện có ca mắc SXH vượt đường trung bình chuẩn. CDC Tiền Giang đề nghị các huyện có các xã vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn theo dõi và xử lý dịch SXH theo quy định.

CẦN THEO DÕI SÁT DIỄN BIẾN CỦA BỆNH NHÂN

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh SXH đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4.

Theo BSCK2 Võ Thanh Nhơn, SXH xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong. Cho đến nay, SXH là bệnh chưa có vắc xin để phòng ngừa và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chỉ là điều trị triệu chứng. Do đó, bệnh nhân SXH cần được theo dõi chặt chẽ.

Với SXH, sau khi bị muỗi mang vi rút SXH đốt, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao 3 - 4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người thì sẽ lui sốt. Nhưng chính giai đoạn lui sốt này xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc…

Cho nên người dân không nên chủ quan mà cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7), bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Nếu bệnh nhân SXH xuất hiện các biểu hiện đe dọa như li bì (ở trẻ nhỏ), mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, nên đến bệnh viện ngay để kịp thời điều trị vì có thể diễn tiến nặng trong một vài giờ khi xuất hiện các triệu chứng.

Biến chứng nguy hiểm của SXH là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu, đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao. Vì vậy, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, do đó người bệnh khi có những dấu hiệu trên cần phải tới khám ngay. Bản thân người thầy thuốc cần phải tỉ mỉ khi thăm khám, cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh, đồng thời có kế hoạch xử trí thích hợp.

CHỦ ĐỘNG TIÊU DIỆT MẦM BỆNH

BSCK2 Võ Thanh Nhơn cho biết, tại các địa phương, chính quyền các cấp đã chỉ đạo thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc kéo giảm chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tuy nhiên vẫn còn những nơi chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao.

Để phòng, chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH và để làm được điều này là phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, sẽ không thể ngăn chặn một cách hiệu quả sự lan tràn của bệnh SXH.

Muỗi sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Nói cách khác, nỗ lực kiểm soát số lượng muỗi của cá nhân là điều cần thiết để phòng, chống sự lan tràn SXH trong cộng đồng.

Đồng thời, hành động của cộng đồng cũng có thể khuyến khích các cá nhân giữ cho hộ gia đình của mình không có muỗi. Và mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng, chống SXH, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần, dọn dẹp quần áo không cho muỗi trú đậu. Ngủ mùng kể cả ban ngày; mặc áo dài tay, quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa.

Làm nắp đậy kín các lu, khạp chứa nước, dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước… không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để ăn lăng quăng. Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà cũng như những dấu hiệu nặng của bệnh SXH cần nhập viện điều trị.

THỦY HÀ - THANH HOÀNG

 

.
.
.