Thứ Năm, 14/09/2023, 20:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Một bệnh nhi được cứu sống nhờ ứng dụng kỹ thuật lọc máu

(ABO) Đó là bệnh nhi N.Q.D., 14 tuổi, ngụ ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bệnh nhi nhập viện lúc 9 giờ ngày 10-9 với triệu chứng đau bụng, khó thở. Chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suyễn, nhiễm trùng tiêu hóa và hậu phẫu sau mổ kết hợp xương. Sau 2 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhi thở co lõm ngực, phổi rale nổ, ho nhiều hơn, thở mệt hơn với kết quả Xquang cho thấy toàn bộ phổi trái và đáy phổi phải mờ nên đã chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi.

Hiện em vẫn đang được điều trị và theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Hiện bệnh nhi N.Q.D. vẫn đang được điều trị và theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Chiều ngày 14-9, bác sĩ Võ Hữu Đức, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi cho biết: “Sau khi điều trị nội khoa 6 giờ, tình trạng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm không cải thiện, chúng tôi tiến hành hội chẩn liên viện với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang và Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Kết quả hội chẩn đề nghị áp dụng phương thức lọc máu liên tục, thở máy tại khoa kết hợp điều trị song song với hồi sức nội khoa. Sau 10 giờ 30 phút lọc máu lần 2, tình trạng lâm sàng của bệnh nhi cải thiện, xét nghiệm ổn, hội chẩn ngưng quá trình lọc máu”.

Qua 4 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhi được cai máy thở, chức năng thận ổn định về mức bình thường, chỉ số nhiễm trùng giảm, sinh hiệu ổn, người tỉnh, môi hồng, nói chuyện và ăn uống được. Hiện bệnh nhi N.Q.D. vẫn đang được điều trị và theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Theo Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi, chẩn đoán sau cùng của bệnh viện là bệnh nhi N.Q.D. mắc nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, phù phổi cấp, tăng huyết áp, viêm gan siêu vi B và hậu phẫu kết hợp xương cánh tay phải.

TS.BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: Lọc máu liên tục trẻ em là một kỹ thuật phức tạp, khó và là một trong những phương pháp cuối cùng sau khi thực hiện các biện pháp điều trị khác thất bại. Lọc máu liên tục được thực hiện trên những bệnh nhân bệnh nặng, nguy kịch có khả năng tử vong rất cao.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang hướng tới phát triển, thực hiện những kỹ thuật phức tạp, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên khoa sâu như can thiệp cấp cứu mạch não, gan, tim mạch, lọc máu… nhằm nâng cao khả năng điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân tỉnh nhà và khu vực.

THỦY HÀ - THANH HOÀNG

 

.
.
.