Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng giảm
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 5.500 trường hợp đau mắt đỏ. Trong số này có hơn 2.200 ca ghi nhận tại các cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 3.300 ca được ghi nhận tại trường học. Qua phân tích, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ được phát hiện tại trường học và cơ sở y tế đều giảm khoảng 50% so với tuần trước đó.
Hướng dẫn học sinh chăm sóc mắt trong trường học. |
Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 37.900 người mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có 11.648 trường hợp đến khám và điều trị tại cơ sở y tế và 26.261 trường hợp ghi nhận tại trường học.
Bác sĩ Lê Thị Bích Hợp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang cho biết, đa số trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện có triệu chứng nhẹ và khỏi nhanh, tuy nhiên qua khai thác thì bệnh lây lan rất nhanh trong các gia đình có bệnh nhân.
Giải thích về điều này, bác sĩ Bích Hợp cho biết, bệnh đau mắt đỏ là bệnh do vi rút gây ra nên rất dễ lây lan từ người này sang người khác và hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu.
ầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do vi rút đều nhẹ, bệnh thường sẽ khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể mất từ 2 đến 3 tuần hoặc lâu hơn để khỏi bệnh và cũng có trường hợp biến chứng gây nguy hiểm đối với thị lực.
Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay… Bệnh cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, vi rút gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…).
Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối nằm…) cũng khiến lây nhiễm phải căn bệnh này. Ngoài ra, việc lây nhiễm đau mắt đỏ còn có thể xảy ra khi sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi).
Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…; ở những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc, bến tàu xe, trên xe buýt, chợ… có nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ rất cao.
Được biết, trước tình hình bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh, nhất là trong thời điểm đầu năm học mới, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã có chỉ đạo và thực hiện nhiều hoạt động nhằm hạn chế tình trạng lây lan của bệnh này.
Trong đó, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn tỉnh và thực hiện các biện pháp hạn chế mầm bệnh lây lan. Đồng thời, tổng hợp số trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh và số học sinh bệnh đau mắt đỏ được ghi nhận từ các trường học trên địa bản quản lý.
THỦY HÀ