Thứ Năm, 12/10/2023, 18:55 (GMT+7)
.

Vaccine ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản sẽ được tiêm thử nghiệm tại Việt Nam

Ngày 12-10, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học".

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết, trước đây, một số quốc gia đã thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vaccine phòng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp D2 là tuýp virus gây bệnh SXH phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vừa qua, một loại vaccine ngừa SXH của Nhật Bản đang được thử nghiệm và bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh SXH nên Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tham gia thử nghiệm tiêm loại vaccine ngừa SXH này.

Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vaccine ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết.
Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vaccine ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết.

GS-TS Nguyễn Văn Kính cũng cho biết, với loại vaccine phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khỏe trước khi áp dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Hiện nay, đối với bệnh SXH có 4 tuýp gây bệnh, gồm: D1, D2, D3 và D4. Một người có thể mắc SXH nhiều lần với các tuýp virus khác nhau. Khi người bệnh SXH đã hồi phục sau khi nhiễm một tuýp virus gây bệnh sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó.

Tại Việt Nam, năm 2023, tuýp virus SXH lưu hành chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

 

Thống kê của Bộ Y tế, tính đến 10-2023, cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc SXH, với 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận khoảng 18.000 ca mắc SXH (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, nghiên cứu khoa học để đẩy mạnh ứng dụng trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch là một trong những ưu tiên của ngành y tế. Đến nay, trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vaccine phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất 11/12 loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Nổi bật nhất là các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine, đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vaccine trên thế giới. Hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận…

"Bộ Y tế mong muốn với sự chung sức, cố gắng và nỗ lực của các nhà khoa học cùng với các động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học về y tế, công tác nghiên cứu và ứng dụng trong y học sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

(Theo sggp.org.vn)
 

.
.
.