Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi nặng
(ABO) Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, không khí lạnh tràn về các tỉnh phía Nam, khiến cho bệnh hô hấp ở trẻ em có xu hướng tăng cao. Có 5 nguyên nhân làm bệnh hô hấp tăng cao là:
1. Không khí khô: Không khí lạnh có xu hướng khô hơn, có thể làm khô màng nhầy trong đường hô hấp, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn.
2. Phản ứng miễn dịch suy yếu: Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh có thể làm suy yếu phản ứng của hệ thống miễn dịch, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và người suy giảm miễn dịch.
3. Vi rút theo mùa: Một số vi rút đường hô hấp, như vi rút cúm và cảm lạnh thông thường, hoạt động mạnh hơn và dễ lây truyền trong điều kiện lạnh hơn, khô hơn.
4. Giảm thông gió: Không gian trong nhà thường kém thông gió hơn vào mùa đông, khiến vi rút tồn tại trong không khí lâu hơn.
5. Biến thể miễn dịch: Có bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch của con người phản ứng khác nhau với các bệnh nhiễm trùng trong các mùa khác nhau, có thể khiến con người dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hơn trong những tháng lạnh hơn.
Ngoài việc phòng bệnh tốt như tiêm vắc xin đường hô hấp, ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, vệ sinh cá nhân và môi trường, mọi người cần để ý dấu hiệu chuyển nặng của bệnh hô hấp ở con em mình để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Trong tất cả các dấu hiệu nặng như không uống hoặc không bú mẹ được; nôn tất cả các thức ăn, nước uống; co giật; ngủ li bì hoặc khó đánh thức, thì dấu hiệu thở nhanh hoặc thở rút lõm ngực là dấu hiệu phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
Dấu hiệu thở nhanh:
Nếu trẻ thở nhanh có nghĩa là trẻ đang bị viêm phổi.
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở 60 lần/phút là thở nhanh.
- Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi, nhịp thở 50 lần/phút là thở nhanh.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi, nhịp thở 40 lần/phút là thở nhanh.
Dấu hiệu rút lõm ngực: Cách để cha mẹ phát hiện dấu hiệu rút lõm ngực là nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Bình thường trẻ hít vào thì toàn bộ lồng ngực sẽ phồng lên, nhưng khi viêm phổi nặng thì phần dưới lồng ngực sẽ xẹp xuống do sự co thắt gắng sức của cơ hoành kéo ngực xẹp xuống khi trẻ hít vào.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 35 giây trên thế giới có 1 trẻ tử vong vì viêm phổi, nhờ biết dấu hiệu này mà các trẻ bị viêm phổi nặng được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời, giúp cho hàng triệu trẻ được cứu sống mỗi năm.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC