.

Đề xuất xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM trên khu đất hiện hữu

Cập nhật: 17:01, 02/11/2023 (GMT+7)

"13 năm qua, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại khu 6A, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh theo hình BT – xây dựng và chuyển giao, mới chỉ giải phóng mặt bằng trên 74%, đến nay thì “đứng yên” nên bệnh viện kiến nghị chấm dứt dự án này”, BS-CKII Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đề xuất.

a
KTX Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng xuống cấp nghiêm trọng, nằm chắn trước mặt tiền Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM

Sáng 2-11, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân” tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.

Kiến nghị hủy dự án theo hình thức BT

Báo cáo với đoàn giám sát, BS-CKII Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, bệnh viện được đưa vào hoạt động từ năm 1985 với quy mô 500 giường. Tính riêng 9 tháng 2023, số bệnh nhân nội trú đạt 30.273 lượt, vượt quá con số 100% cả về giường kế hoạch (117%) và giường thực kê (102%).

Đặc biệt, số bệnh nhân nặng và phức tạp ngày càng tăng. Số lượt ngoại trú, hết quý 3-2023 trên 320.000 lượt, dự kiến hết năm khoảng 410.000 lượt… Xét về quy mô khám, điều trị bệnh hiện nay, số lượt bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp 680 lần, số lượt khám ngoại trú cũng tăng gấp hơn 660 lần so với quy mô ngày đầu thành lập vào năm 1985.

a
BS-CKII Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM nêu thực trạng của đơn vị với Đoàn giám sát

Tình trạng quá tải dẫn tới có phòng bệnh chứa 10-12 bệnh nhân/phòng 20m². Bên cạnh đó là nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy từ ký túc xá (KTX) Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nằm chắn ngay mặt tiền bệnh viện. Bệnh viện cũng đã phải sơ tán bệnh nhân khẩn cấp khi KTX xảy ra cháy, nước thải từ bô rác của KTX chảy tràn sang, gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị, máy móc của bệnh viện đều đã sử dụng trên 20 năm, vận hành ở tần suất cao, dễ hư hỏng nhưng không có điều kiện thay mới. Thực tế từ năm 2010 đến nay, việc mua sắm trang thiết bị y tế của bệnh viện đều trích từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị nên rất hạn chế. Hiện, bệnh viện còn thiếu nhiều loại máy móc như: máy C-Arm, máy MRI, O-Arm, hệ thống ni-tơ lỏng, thiếu dụng cụ lắp đặt cho bệnh nhân….

“Vậy nhưng 13 năm qua, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại khu 6A, ấp 4, xã Bình Hưng, Bình Chánh theo hình BT – xây dựng và chuyển giao, mới chỉ giải phóng mặt bằng trên 74%, đến nay thì “đứng yên” nên bệnh viện kiến nghị chấm dứt dự án này”, BS-CKII Hoàng Mạnh Cường đề xuất rồi nêu giải pháp thành phố chấp thuận cho xây mới tại chỗ, bao gồm diện tích thu hồi khu đất KTX của Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, với quy mô 14 tầng, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.

a
Phòng bệnh nội trú rộng khoảng 20m², nhưng phải kê chỗ cho 10-15 người bệnh/phòng

Về giải pháp đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân nếu bệnh viện được xây mới, BS Hoàng Mạnh Cường cho hay, đơn vị đã khảo sát Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) – đây là cơ sở trước đây phục vụ điều trị bệnh nhân nặng Covid-19. Hiện, cơ sở vật chất còn sử dụng tốt, thoáng, rộng… đủ điều kiện cho bệnh viện chuyển tạm thời về đây hoạt động. Cạnh đó, bệnh viện sẽ đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế đầy đủ cho cơ sở 2 (số 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1), có thể tiếp nhận 600-700 người bệnh tái khám và nội trú/ngày…

a
Người bệnh phải nằm ngoài hành lang điều trị

Cấp bách tìm phương án khả thi nhất

Đau đáu về những khó khăn, bất cập của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu thực tế, việc chấm dứt xây mới bệnh viện tại khu 6A, vượt thẩm quyền của sở và bệnh viện, chỉ có UBND TPHCM mới quyết định được việc này. Trong khi việc xây mới bệnh viện là nhu cầu khẩn thiết vì bệnh viện đang có nguy cơ mất an toàn cao, cần giải pháp khẩn thiết để sớm chấm dứt tình trạng này. “Vì vậy, Sở Y tế TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM, UBND TPHCM sớm có giải pháp, giải quyết triệt để”, BS Nguyễn Anh Dũng đề xuất.

Chia sẻ khó khăn mà Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM gặp phải trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, việc đầu tư xây dựng mới bệnh viện quá chậm dẫn đến việc bác sĩ quá tải, người bệnh khổ cực. Do đó, cần có phương án phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới bệnh viện này. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Sở Y tế TP phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, nghiên cứu kỹ đề xuất xây dựng mới bệnh viện tại vị trí hiện hữu hay một vị trí khác, làm sao phải phù hợp với quy mô, tầm vóc của một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.

a
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát

Trong khi tìm được phương án xây mới bệnh viện khả thi nhất, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM phải có giải pháp tạm thời giải quyết các vấn đề trước mắt trong điều kiện hiện tại, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh, tính toán đến sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế.

Bệnh viện cũng cần có sự sắp xếp hợp lý, định kỳ sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy cho cả 2 cơ sở an toàn; có chính sách "giữ chân" y bác sĩ, mua sắm trang thiết bị; giải quyết các vấn đề môi trường bên trong và bên ngoài bệnh viện.

“Đoàn ghi nhận các khó khăn và kiến nghị của bệnh viện, trong buổi giám sát tới đây với UBND TPHCM, Thường trực HĐND TPHCM sẽ bàn, đề nghị UBND TPHCM sớm có phương án tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng mới bệnh viện để thành phố sớm có một bệnh viện mới hiện đại, tương ứng như Bệnh viện Ung bướu TP, cơ sở 2, nhằm phục vụ người bệnh tốt nhất, phù hợp với tầm vóc của một bệnh viện tuyến cuối”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài “Ì ạch những công trình y tế trọng điểm: Bệnh viện mòn mỏi chờ điều chuyển”, phản ánh thực trạng tòa nhà KTX Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (nằm chắn mặt tiền Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM) xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện cũng như gây bất an cho người bệnh và các khó khăn khác.

Trong khi dự án xây mới bệnh viện chưa biết đến khi nào mới được triển khai; lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có văn bản xin tiếp nhận tài sản nhà và đất từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM (đã dời về cơ sở mới ở huyện Bình Chánh) tại địa chỉ 201 đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc người bệnh, hạn chế tình trạng quá tải ở cơ sở tại quận 5. Sau đó, thành phố có văn bản chấp thuận chuyển khu nhà đất Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quản lý, làm cơ sở 2.
 

Bệnh nhân bảo hiểm y tế các tỉnh đến gấp 4 lần TPHCM

Theo BS.CKII Hoàng Mạnh Cường, năm 2023, bệnh viện được Bảo hiểm xã hội TP giao dự toán 412 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, đơn vị đã sử dụng hết 367 tỷ đồng, còn lại 45 tỷ đồng cho công tác khám, chữa bệnh BHYT đến cuối năm.

Tuy nhiên, do là bệnh viện tuyến cuối, đảm trách công việc khám, chữa bệnh cho cả khu vực phía Nam nên lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành chuyển đến điều trị cao gấp 4 lần lượng bệnh nhân của thành phố, trong đó nhiều trường hợp sử dụng các kỹ thuật cao, chi phí lớn như phẫu thuật nội soi, thay khớp…

Bệnh viện không thể từ chối bệnh nhân, việc này khiến cho chi phí sử dụng quỹ BHYT của đơn vị tăng cao, vượt quá khả năng dự toán của đơn vị và đặt bệnh viện vào thế khó. Không được cấp thêm, có thể làm gián đoạn việc khám, điều trị cho người bệnh BHYT tại bệnh viện.


Theo sggp.org.vn



 

.
.
.