Tỷ lệ nam giới trẻ nhiễm HIV tăng nhanh
(ABO) Việt Nam đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS nhưng những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15 - 29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
VẪN CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Năm nay đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra vi rút HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Tại Tiền Giang, từ ca nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại huyện Cái Bè vào năm 1992, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 6.753 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 4.688 người trong tỉnh và gần 2.100 người ngoài tỉnh. Đã có hơn 1.800 người nhiễm HIV trong tỉnh đã tiến triển đến giai đoạn AIDS và đã có 1.326 người chết do AIDS.
Hiện tại, 100% địa phương trong tỉnh Tiền Giang đều có trường hợp nhiễm HIV. Trong số những ca phát hiện mới giai đoạn 5 năm từ năm 2019 đến nay, hình thái lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm tới 97,5%; kế đến là qua đường máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm 1,83%, do lây truyền HIV từ mẹ sang con 0,63%). Đa số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là nam giới, tính từ khi ca bệnh xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào năm 1992 đến nay thì số người nhiễm HIV là nam chiếm 75% và nữ chiếm 25%.
Xét nghiệm tầm soát HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang. |
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tại Tiền Giang tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong số người nhiễm HIV được phát hiện tăng dần qua từng năm. Cụ thể, từ 49,5% (năm 2020) tăng lên 51% (năm 2021) và 57,3% trong năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hằng năm, nhiễm HIV đang trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15 - 24 tuổi tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 15,6% năm 2012 tăng lên hơn gấp đôi tại thời điểm hiện tại; phân tích đường lây trong nhóm tuổi này từ năm 2018 đến năm 2023 cho thấy 95,2% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm gần 80% tổng số ca HIV được phát hiện.
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Tiền Giang, bác sĩ Nguyễn Quốc đạt, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tình hình dịch bệnh HIV/AIDS ở Tiền Giang vẫn đang ở mức cao, cơ bản vẫn chưa khống chế được. Biểu hiện qua các số liệu giám sát phát hiện trong các nhóm nguy cơ cao, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam tăng trong những năm gần đây và độ tuổi còn rất trẻ. Hiện nay vẫn còn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả và sự đầu tư tương xứng”.
CƠ HỘI AN TOÀN CHO NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO
Hiện tại, Tiền Giang đang triển khai mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (TelePrEP) chủ yếu ở 3 cơ sở, gồm: Phòng khám điều trị HIV/AIDS tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Y tế huyện Cái Bè và Trạm Y tế xã Tân Hương thuộc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành. Hiện có 380 người đang sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt, hiện tại thuốc PrEp đang sử dụng tại Tiền Giang có tên là Emtricitabine & Tenofovir disoproxil fumarate Tablets 200mg/300mg được kết hợp liều cố định emtrieitabin và tenofovir disoproxil fumarat, được chỉ định trong liệu pháp kết hợp thuốc kháng vi rút (ARV) và phối hợp với các thuốc khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi dùng thuốc PrEp đúng cách và đều đặn mỗi ngày sẽ giảm lây nhiễm HIV trên 90%.
PrEp đạt hiệu quả cao đối với những người thuộc các đối tượng như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, bạn tình khác giới không bị nhiễm của người có HIV, người bán dâm, người tiêm chích ma túy.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt chia sẻ hiệu quả việc sử dụng PrEp tại Tiền Giang. |
Bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt khuyến cáo, PrEp cần sử dụng khi có các hành vi nguy cơ cao trong 6 tháng như quan hệ tình dục không an toàn, từng được chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, chlamydia), từng điều trị PrEP sau khi có các hành vi nguy cơ nhiễm HIV; dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích; có bạn tình nhiễm HIV, bạn tình chưa điều trị ARV hoặc mới điều trị ARV dưới 6 tháng hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng tải lượng vi rút > 200 bản sao/ml hoặc chưa xét nghiệm tải lượng vi rút.
Tuy nhiên, PrEp chỉ đạt hiệu quả nếu sử dụng 7 ngày liên tục đối với người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn và 21 ngày đối với người có quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc có nguy cơ lây truyền qua đường máu.
Một số lưu ý khi sử dụng PrEP là PrEP không phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên vẫn cần sử dụng bao cao su/chất bôi trơn khi quan hệ tình dục. PrEP an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. PrEP cũng không làm thay đổi nồng độ hormone nữ (đối với nhóm chuyển giới). Tái khám và thực hiện xét nghiệm định kỳ bao gồm xét nghiệm HIV theo chỉ định của bác sĩ.
NỖ LỰC ĐẨY LÙI ĐẠI DỊCH
Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng trên địa bàn tỉnh cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Cụ thể, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt, những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.
Truyền thông cộng đồng về lợi ích của việc xét nghiệm HIV. |
Từ số liệu thống kê cho thấy, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12, với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn, truyền thông và vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023…
THỦY HÀ - THANH HOÀNG