.

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi

Cập nhật: 09:13, 07/12/2023 (GMT+7)

Theo thông tin được PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ thì bệnh tim mạch đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 33% tổng số bệnh nhân tử vong.

CỨ 3 CA TỬ VONG THÌ CÓ 1 CA DO BỆNH TIM MẠCH

Người cao tuổi cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp  để phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Người cao tuổi cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp để phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, rất nhiều người dân còn chủ quan với sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn với bệnh tăng huyết áp, có đến 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết; trong số 50% còn lại biết bệnh, thì chỉ có một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.

Trong khi đó, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, các bệnh tim mạch cũng chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong.

Số người mắc bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam là rất lớn, với tỷ lệ cứ 4 người trưởng thành lại có 1 người bị tăng huyết áp. Điều đáng lo hơn là trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động.

Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Từ tăng huyết áp dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ.

Về nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, có lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng.

Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi... Trong mô hình bệnh tật về tim mạch, các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi, nhưng các bệnh do xơ vữa động mạch lại có xu hướng tăng lên.

Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng.

TUỔI GIÀ KÉO THEO NHIỀU BỆNH LÝ TIM MẠCH

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, trong đó bệnh lý về tim mạch là phổ biến nhất. Lão hóa chính là nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tim mạch. Cụ thể là trong quá trình lão hóa, cấu trúc của tim bị biến đổi, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các van tim cũng bị thoái hóa, không còn thực hiện tốt chức năng dẫn đến các bệnh van tim. Một bệnh lý tim mạch thường gặp ở người cao tuổi là xơ vữa động mạch.

Luyện tập thể dục hằng ngày giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe.				                                                                                                            Ảnh: QUẾ NGÂN
Luyện tập thể dục hằng ngày giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe. Ảnh: QUẾ NGÂN

Khi hệ thống tim mạch lão hóa, các mạch máu sẽ giảm dần tính đàn hồi, gây xơ vữa mạch máu, khiến lòng mạch máu hẹp lại, tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể cung cấp đủ máu nuôi các tế bào, các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là não. Xơ vữa mạch máu khiến dòng chảy của máu tăng lên, áp lực chảy tăng lên, gây ra bệnh tăng huyết áp, một trong bệnh lý tim mạch phổ biến ở người cao tuổi. Khi tim phải tăng cường hoạt động, đặc biệt là tăng sức và số lần co bóp sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy tim.

Các mạch máu bị xơ cứng và giảm dần sự đàn hồi khiến tim hoạt động nhiều hơn, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tim bị dày lên, buộc lượng máu đến tim phải nhiều hơn, trong khi các mạch máu bị xơ vữa lại hẹp, sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim, nguy hiểm nhất là gây ra nhồi máu cơ tim.

PHÒNG BỆNH TIM MẠCH

Ngoài các yếu tố không thể thay đổi như tiền sử gia đình, tuổi tác và giới tính thì bệnh tim mạch hoàn toàn phòng ngừa được, nhưng nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan. Bệnh tim mạch tiến triển âm thầm, đến khi xảy ra đột quỵ thì đã quá muộn.

Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh tim mạch.

Đột quỵ còn có liên quan mật thiết đến các yếu tố bệnh lý như tiền sử đột quỵ, đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh… Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu, bia...

Để phòng tránh đột quỵ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Thần kinh học Tiền Giang khuyến cáo 5 việc cần duy trì để hạn chế nguy cơ đột quỵ. Thứ nhất là có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu...

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Do đó, trong chế độ ăn, cần ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ; hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Thứ hai là luyện tập thể dục hằng ngày. Vì tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ. Thứ ba là giữ ấm cơ thể. Việc nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

Thứ tư là không hút thuốc lá. Chính thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Thứ năm là cần kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

MAI HÀ

.
.
.