Thứ Hai, 04/12/2023, 12:08 (GMT+7)
.

Chưa thể bỏ quy định về chuyển tuyến khám, chữa bệnh

Thời gian qua, nhiều ý kiến kiến nghị ngành y cần bỏ giấy chuyển tuyến bởi thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) khẳng định: “Với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đến tuyến Trung ương và không thể bỏ quy định về chuyển tuyến”.

Vì sao chưa thể bỏ quy định chuyển tuyến?

Tại Hội nghị “Đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT trong Dự án Luật BHYT sửa đổi”, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) nhấn mạnh, giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: Cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án.., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở KCB. Đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc vào lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí KCB BHYT.
 

Thăm khám cho thai phụ tại Trạm y tế xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: THANH XUÂN
Thăm khám cho thai phụ tại Trạm y tế xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: THANH XUÂN

Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang cũng thẳng thắn nhận định, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký KCB ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi KCB tại cơ sở KCB khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc cho người bệnh. Hiện toàn quốc có gần 10.000 trạm y tế xã có KCB ban đầu. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2022, số lượt KCB BHYT tại các cơ sở này chỉ còn chiếm 14%. Trong khi, số lượt KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh tăng cao. Nguyên do là từ ngày 1-1-2016 thông tuyến KCB giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện; từ ngày 1-1-2021 thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với KCB nội trú. Việc thông tuyến này tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây tình trạng quá tải trở lại đối với tuyến trên và giảm tỷ lệ KCB ban đầu tại y tế cơ sở. Những vướng mắc, bất cập trên đặt ra các câu hỏi về việc có nên giữ các tuyến y tế cơ sở và có cần phân tuyến, giữ hay bỏ giấy chuyển tuyến?

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ BHYT khẳng định: “Với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến Trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến Trung ương và xáo trộn cả hệ thống KCB, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT. Các cơ sở y tế tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh”.

Đồng bộ những giải pháp bảo đảm quyền, lợi ích người bệnh

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định, việc duy trì mô hình KCB BHYT như hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, bảo đảm được sự phát triển bền vững của hệ thống y tế. Các nước trên thế giới cũng đang triển khai và duy trì theo mô hình này. Người bệnh sẽ đến khám trước tiên tại các cơ sở KCB ban đầu hoặc bác sĩ gia đình, để được phát hiện, đánh giá sơ bộ về sức khỏe. Từ đó, tùy theo mức độ bệnh, loại bệnh tật, nếu vượt quá khả năng thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên. Chỉ trường hợp cấp cứu có thể đến cơ sở y tế gần nhất mà không phân biệt tuyến. "Nếu không duy trì mô hình KCB BHYT theo tuyến thì sẽ gây quá tải không cần thiết tại tuyến Trung ương. Tất cả bệnh nhân sẽ lên thẳng tuyến Trung ương, tuyến cơ sở sẽ không có cơ hội được chăm sóc người dân, điều này gây tốn kém cho người bệnh, từ chi phí di chuyển, thời gian, đến các chi phí KCB khác không cần thiết...", PGS, TS Vũ Văn Giáp cho biết.

Bàn thêm về các giải pháp trong chuyển tuyến, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Bộ Y tế cũng đang xúc tiến công tác phối hợp với Bộ Công an để có thể áp dụng các giấy chuyển viện, giấy hẹn khám lại vào hệ thống phần mềm bảo hiểm xã hội (VssID) và app VNeID của Bộ Công an. Khi đó, người bệnh chỉ cần mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến khi đến bất cứ cơ sở KCB tuyến trên được chuyển đến là có thể KCB. Bộ Y tế cũng đang rà soát các quy định chế tài xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, có thể đình chỉ hoạt động, có biện pháp xử lý với cơ sở vi phạm quy định về chuyển tuyến. Nghĩa là, thay vì quy định bệnh nặng được chuyển lên tuyến trên thì quy định trách nhiệm của bệnh viện. "Nếu như vì yêu cầu chuyên môn mà không chuyển viện, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bệnh, thậm chí có thể gây tai biến cho người bệnh thì cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm”, bà Trần Thị Trang nói.

Bà Trang cũng cho hay, Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở KCB tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên. Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng...

Theo ông Đào Nguyên Minh, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng và chỉ đạo tuyến (Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế), để giảm tải những bức xúc trong chuyển tuyến, một vấn đề cần được quan tâm nhất là nâng cao năng lực tuyến dưới. Những năm gần đây, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chương trình, đề án để nâng cao trình độ, năng lực tuyến dưới, rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới. Nhờ đó, tỷ lệ chuyển tuyến thời gian qua đã giảm đáng kể, một số kỹ thuật trước đây tỷ lệ chuyển tuyến 100% thì nay tỷ lệ này chỉ còn 20-30%. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo cấm các hành vi gây khó khăn cho người dân trong việc làm các thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến, đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành về việc chuyển viện, chuyển tuyến tại các cơ sở KCB. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cùng với việc đổi mới đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT khoa học, thuận tiện, hiệu quả sẽ nâng cao chất lượng KCB, nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và kỳ vọng của xã hội.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.