Thứ Sáu, 29/12/2023, 09:21 (GMT+7)
.
NGÀNH Y TẾ TIỀN GIANG:

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho người dân

Sau đại dịch Covid-19, ngành Y tế cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, trong năm 2023, ngành Y tế tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo sức khỏe của nhân dân.

KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN,VƯỚNG MẮC

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Y tế tỉnh nhà cũng đang đối mặt với nhiều khó, vướng mắc. Đó là chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) giữa các bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa đồng đều, năng lực chuyên môn và quản lý tại tuyến cơ sở vẫn còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác tại một số trung tâm y tế, trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tự thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch và cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tự thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch và cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch.

Về thực hiện cơ chế tự chủ tại tài chính tại các đơn vị nhóm 2 và mua sắm trang thiết bị y tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình nguồn thu của một số đơn vị bị giảm mạnh. Vướng mắc khó khăn trong quá trình thanh quyết toán chi phí KCB giữa các đơn vị và cơ quan Bảo hiểm xã hội, tình trạng nợ đọng kéo dài qua các năm (từ 2018 đến nay) chưa xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân do xác định các chi phí vượt trần, vượt quỹ, vượt tổng mức trong quá trình quyết toán giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở KCB chưa thống nhất được số liệu, dẫn đến công nợ thuốc với các đơn vị cung ứng, nợ các chế độ tiền trực, phẫu thuật thủ thuật, thiếu nguồn chi trả tiền lương cho cán bộ… Bên cạnh đó, các chi phí chưa được kết cấu đầy đủ trong giá dịch vụ KCB theo quy định, nhưng không có cơ chế hỗ trợ tài chính, các đơn vị đang phải tự trang trải các chi phí này từ nguồn thu của mình.

Đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 vào ngày 27-12, đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao những nỗ lực và kết quả công tác của ngành Y tế tỉnh trong năm 2023.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thành Diệu yêu cầu ngành Y tế cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện tốt công tác chuyên môn nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.

Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm tất cả người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe.

Song song đó, mạng lưới tổ chức của ngành Y tế tỉnh có nhiều biến động và hiện nay thực hiện tinh giãn bộ máy cũng ảnh hưởng ban đầu đến cơ chế điều hành và hoạt động đối với các đơn vị y tế. Tình hình cán bộ y tế các tuyến còn thiếu, ảnh hưởng đến công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới, chuẩn hóa cán bộ...

Một vấn đề cần quan tâm chính là tình trạng biến động nhân lực ngành Y tế. Thông tin từ Sở Y tế, trong điều kiện tỉnh đang còn thiếu nhân lực trình độ cao cho ngành thì trong năm 2023 toàn tỉnh có 48 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 8 bác sĩ và 2 dược sĩ. Như vậy từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 285 nhân viên y tế nghỉ việc, trong số này có 61 bác sĩ, 36 dược sĩ. Điều này làm ảnh hưởng đến nhân lực chuyên môn của ngành Y tế tỉnh nhà.

NỖ LỰC HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế, trong năm 2023, ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu y tế theo kế hoạch Nghị Quyết của HĐND tỉnh. Về hoạt động chuyên môn, ngành đã thực hiện đạt những kết quả quan trọng.

Nhiều kỹ thuật hiện đại được ngành Y tế tỉnh Tiền Giang ứng dụng hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều kỹ thuật hiện đại được ngành Y tế tỉnh Tiền Giang ứng dụng hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân.

Trong đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue năm 2023 giảm 65%; số ca mắc tay chân miệng tăng 250% nhưng cơ bản vẫn được kiểm soát tốt, không ghi nhận ca tử vong.

Tiền Giang đã được công nhận loại trừ sốt rét trên quy mô tỉnh vào năm 2019 và trong năm 2023, không phát hiện sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chương trình phòng, chống lao được quản lý tốt. Công tác phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng; bệnh nhân được tuyên truyền, theo dõi, quản lý và tư vấn tốt.

Bệnh Covid-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, được quản lý kiểm soát bền vững trên địa bàn tỉnh. Công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được duy trì, đảm bảo an toàn, không có tai biến xảy ra liên quan đến tiêm chủng.

Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, tỉnh đã triển khai phát hiện sớm, quản lý và điều trị bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường; phòng, chống suy dinh dưỡng, mù lòa, rối loạn do thiếu I-ốt, sàng lọc phát hiện ung thư, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Công tác KCB, đến năm 2023, tổng số lần khám bệnh tăng so với cùng kỳ, đạt 138,5% so với kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 207 cơ sở y tế có giường bệnh với tổng số 3.838 giường bệnh, đạt tỷ lệ 24 giường bệnh/vạn dân. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 71,28%, tăng so với cùng kỳ 2022.

Tiếp tục thực hiện hợp tác y tế với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để triển khai các kỹ thuật mới tại Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã triển khai và thực hiện tốt các gói kỹ thuật cao như thay khớp háng bán phần và toàn phần, nội soi khớp gối, kết hợp xương bằng nẹp khóa, kết hợp xương qua màn hình tăng sáng, phẫu thuật nội soi đại trực tràng và cắt tuyến giáp qua nội soi, tiêm Dyspor cho bệnh nhân cứng cơ sau đột quỵ, co thắt cơ mặt…

Hợp tác quốc tế về đào tạo trên lĩnh vực nội thần kinh. Về công tác dược, 100% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 11/11 trung tâm y tế huyện và 5/5 bệnh viện chuyên khoa có dược sĩ đại học phụ trách khoa dược; các trạm y tế đã tổ chức được các quầy thuốc thiết yếu tại trạm y tế với đủ thuốc theo danh mục quy định của Bộ Y tế để phục vụ cho người dân.

9 điểm nổi bật của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang năm 2023

Theo TS.BS Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế, trong năm 2023, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đạt được nhiều thành quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó có 9 điểm nổi bật:

1. Kiểm soát tốt, bền vững các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp nhận, vận hành thành công, hiệu quả, ổn định Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang với quy mô 1.000 giường bệnh.

3. Thực hiện hoàn thành gói chuyển giao can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tự thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch và cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch.

4. Tổng kết kỹ thuật thay khớp háng và nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối, phẫu thuật viên tại tỉnh đã tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật này.

5. Đã phát triển được hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình trên khắp địa bàn dân cư trong tỉnh. 100% các xã, phường, thị trấn đều có cung cấp dịch vụ khám thai, tỷ lệ quản lý thai và được khám thai đã đạt đến mức độ bao phủ do người dân ngày càng thay đổi nhận thức, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được nâng cao, tỷ lệ quản lý thai đạt rất cao 99,2%.

6. Đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Đến hết năm 2023, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được công nhận loại trừ bệnh phong theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

7. Thực hiện triển khai hoạt động số hóa trong công tác y tế với việc tổ chức thành công Hội nghị chuyển đổi số trong ngành Y tế; bước đầu xây dựng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, trả kết quả cận lâm sàng qua hệ thống phần mềm điện tử, thực hiện Đề án 06 khám bệnh quét thẻ qua Căn cước công dân; cấp giấy chứng sinh, chứng tử, khám sức khỏe lái xe, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…

8. Thực hiện tốt chính sách quốc gia về y học cổ truyền (YHCT), xã hội hóa công tác YHCT; phối hợp Hội Đông y củng cố, xây dựng 100% trạm y tế xã (theo phân vùng Tiêu chuẩn quốc gia y tế xã) có phòng chẩn trị YHCT và vườn thuốc mẫu đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu về KCB bằng YHCT của nhân dân địa phương.

9. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 19 ngày 8-12-2023 về quy định chính sách hỗ trợ công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2024 - 2026.

 

THỦY HÀ
 

 

 

.
.
.