Thứ Ba, 05/12/2023, 11:09 (GMT+7)
.

Nguy hiểm đến từ thuốc lá điện tử

Thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs).

Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Trước những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe từ thuốc lá điện tử, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thuốc lá điện tử được nhiều bạn trẻ sử dụng.
Thuốc lá điện tử được nhiều bạn trẻ sử dụng.

Tại hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo kết quả của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 đến 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 đến 12 là 12,6%. Cũng trong cuối tháng 4-2023, trước tình trạng nhiều học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã phải gửi công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin và phổ biến rộng rãi về tác hại tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa. Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: Bạc hà, táo, cam, chanh... trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Tuy nhiên, một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đã đưa ra cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, điều trị, đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cảnh báo, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, đồng thời tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh.

Trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotine. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử...

(Theo qdnd.vn)

.
.
.