Thứ Ba, 05/12/2023, 09:05 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quan tâm chăm sóc thị lực cho người cao tuổi

Cùng với việc tăng tuổi thọ, con người sẽ phải đối mặt với sự suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể, trong đó suy giảm thị lực là một vấn đề thường gặp. Trong điều kiện già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho người cao tuổi (NCT) rất cần được quan tâm.

XUẤT HIỆN NHIỀU BỆNH LÀM GIẢM THỊ LỰC

NCT phẫu thuật, điều trị bệnh đục thủy tinh thể.
NCT phẫu thuật, điều trị bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây giảm thị lực và mù lòa đứng đầu trên thế giới và cả Việt Nam, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi. Tỷ lệ bệnh tăng tương ứng với tuổi, ở tuổi 65 đến 74 tuổi là 18% và chiếm tới 45,9% ở người từ 75 tuổi đến 84 tuổi.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang, bệnh đục thủy tinh thể khá dễ sàng lọc trong cộng đồng. Do vậy, việc theo dõi, điều trị phẫu thuật là rất khả thi và sẽ giảm bớt gánh nặng mù lòa cho xã hội.

Bệnh này diễn biến thường chậm và không gây đau đớn cho người bệnh, ở những giai đoạn đầu gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như giảm thị lực, mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn hay mỏi mắt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóa mắt, nhìn mờ…

Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở cả 1 mắt hoặc 2 mắt. Cùng với đục thủy tinh thể, NCT còn có thể gặp một số bệnh lý gây giảm thị lực như thoái hóa điểm vàng, đục dịch kính, khô mắt và bệnh thiên đầu thống (glôcôm).

Việc tầm soát và phát hiện sớm, điều trị sớm các bệnh lý liên quan về mắt có ý nghĩa lớn lao trong việc phòng ngừa mù lòa do lão hóa sớm các bộ phận trong cơ quan thị giác. Một số cách được các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa khuyến cáo để giúp tăng cường thị lực cho NCT  hiệu quả và có thể áp dụng tại nhà.

Trong đó cần phòng tránh tia UV có hại cho mắt; massage cho mắt hằng ngày hoặc vào bất cứ lúc nào có thể. NCT cần có chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đôi mắt như bổ sung Lutein, Zeaxanthin, Vitamin A, C, Omega 3; đồng thời, thực hiện khám mắt định kỳ và khám mắt khi có dấu hiệu bất thường.

BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Trong điều kiện bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tấn công NCT thì các bệnh lý do biến chứng của ĐTĐ phải đặc biệt được quan tâm. Bệnh nhân ĐTĐ nhiều năm và không kiểm soát tốt đường máu sẽ có nhiều nguy cơ bị mù cao gấp nhiều lần so với người khỏe mạnh không mắc bệnh.

Khám mắt định kỳ giúp bệnh nhân ĐTĐ phát hiện sớm bệnh lý võng mạc.
Khám mắt định kỳ giúp bệnh nhân ĐTĐ phát hiện sớm bệnh lý võng mạc.

Bệnh lý ĐTĐ tiến triển mạn tính theo thời gian dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh ĐTĐ có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.

Các biến chứng này hay gặp ở các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, mắt, mạch máu, thận, não... Khi những tổn thương này xảy ra ở mắt sẽ diễn biến âm thầm kéo dài gây suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa nhưng dễ bị bỏ qua.

Biến chứng đáy mắt của bệnh ĐTĐ còn gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ do các tổn thương mạch máu nhỏ ở võng mạc (đáy mắt). Đây là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, tại nơi đây có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý. Giai đoạn đầu bệnh võng mạc ĐTĐ có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ làm giảm nhẹ về thị lực. Giai đoạn sau theo thời gian thì hậu quả cuối cùng gây mù.

Bất kỳ ai mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1 hoặc tuýp 2 đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc ĐTĐ. Nhưng nhóm có nguy cơ bị bệnh cao là nhóm người có những bệnh kèm theo như bị bệnh ĐTĐ trong một thời gian dài, có mức đường huyết cao liên tục, cao huyết áp, có cholesterol cao, đang mang thai… Vì vậy, khi người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol sẽ có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh võng mạc ĐTĐ.

 

Bệnh võng mạc ĐTĐ liên quan đến sự phát triển bất thường của các mạch máu trong võng mạc. Do đó, các biến chứng có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực nghiêm trọng. Trong đó, biến chứng xuất huyết dịch kính gây cản trở tầm nhìn; bong võng mạc có thể gây ra các điểm nổi trong tầm nhìn, nhấp nháy ánh sáng hoặc mất thị lực nghiêm trọng; tăng nhãn áp có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác; còn bệnh võng mạc ĐTĐ, bệnh tăng nhãn áp hoặc cả hai có thể dẫn đến người bệnh mất thị lực hoàn toàn.

Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc ĐTĐ, người bệnh cần khám mắt toàn diện thường xuyên từ 2 đến 4 tháng một lần. Trong các giai đoạn sau, người bệnh phải điều trị ngay lập tức nhằm ngăn thị lực trở nên tồi tệ hơn. Theo các bác sĩ, không phải ai mắc bệnh ĐTĐ cũng sẽ bị bệnh lý võng mạc, nhưng các bệnh nhân ĐTĐ đều có nguy cơ mắc bệnh lý này.

Do đó, người bệnh ĐTĐ cần kiểm tra mắt thường xuyên, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp; đồng thời, can thiệp sớm các vấn đề về thị lực để có thể giúp ngăn ngừa mất thị lực nghiêm trọng.

MAI HÀ

.
.
.