Triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm cung ứng vaccine
Không có vaccine tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều người dân đã phải đưa con em đến tiêm dịch vụ. Không có vaccine, những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không có điều kiện, khả năng tiếp cận vaccine dịch vụ.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine
Bắt đầu từ tháng 2-2023, Việt Nam đã thiếu vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến tháng 4-2023, vaccine DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) cũng được báo thiếu, các vaccine khác được cung cấp cho tới tháng 10-2023. Sự thiếu hụt vaccine khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ. Về vấn đề này, theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế): Đã ghi nhận tình trạng thiếu vaccine ở hầu hết tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Để sớm bảo vệ trẻ em phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế đã nỗ lực vận động các nguồn tài trợ. Ngày 15-12-2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Australia viện trợ. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện những thủ tục tiếp nhận, kiểm định vaccine, phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng từ tháng 12-2023, dự kiến số vaccine này đủ sử dụng từ một đến hai tháng tới. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi. Cùng với đó, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi. "Với số lượng vaccine được Chính phủ Australia viện trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vacicne phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh, thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ”, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Nguyên nhân thiếu vaccine
Lý giải về nguyên nhân thiếu hụt vaccine giai đoạn năm 2016-2022, ông Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020. Ngoài nguồn mua vaccine theo hình thức trên, vaccine được hỗ trợ từ Tổ chức Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ. Những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vaccine viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận. Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai... Trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10-7-2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5-8-2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016. Hiện tại, nghị định sẽ sửa đổi theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vaccine.
Song song với các giải pháp về pháp lý, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hợp tác, đề xuất hỗ trợ, viện trợ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước để cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiêm chủng cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.Ảnh: PHONG LAN |
Năm 2024 liệu có thiếu vaccine?
Để giải quyết căn cơ, lâu dài và bảo đảm cung ứng vaccine trong năm 2024, ông Dương Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm kinh phí mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2024; hoàn thành việc mua sắm các vaccine đặt hàng trong nước (10 loại) trong tháng 12-2023 theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6-2024, theo đó sẽ bảo đảm hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Nếu được giao ngân sách sớm hơn, Bộ Y tế sẽ sớm tiến hành đặt hàng hoặc đấu thầu mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2023. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vaccine, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
(Theo qdnd.vn)