Viêm phổi không điển hình, làm sao nhận biết?
(ABO) Viêm phổi không điển hình ở trẻ em là một bệnh lý hô hấp thường gặp, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một bé trai 5 tuổi, sốt nhẹ, ho khan trên 10 ngày, mẹ mua thuốc cho uống nhưng không hết. Bé vẫn ăn ngủ, chơi giỡn bình thường, nhưng tự nhiên bé thở nhanh, mẹ đếm nhịp thở trên 40 lần/phút nên mẹ đưa bé đi khám bác sĩ.
Bác sĩ khám phổi và tim rất kỹ, sờ cả hạch cổ và xem các nốt đỏ ngoài da của bé. Bác sĩ giải thích cho mẹ bé: "Thở nhanh là dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, tôi đã khám phổi của cháu mà không phát hiện dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng nào. Tôi nghĩ cháu bị viêm phổi không điển hình. Bây giờ tôi cho bé chụp hình phổi và thử máu để có thể chẩn đoán chính xác".
Về chuyên môn, trong thời gian gần đây ở các nước Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ và Việt Nam, đều báo cáo có sự gia tăng các trường hợp viêm phổi ở trẻ em liên quan đến vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae, cùng với cúm và một số loại vi rút thường gặp khác. Mycoplasma pneumoniae gây ra bệnh cảnh viêm phổi không điển hình.
Viêm phổi không điển hình là một loại viêm phổi khác với viêm phổi điển hình. Có 2 sự khác biệt rõ ràng về nguyên nhân và triệu chứng:
Thứ nhất là nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Vì khuẩn gây viêm phổi điển hình là những loại vi khuẩn có màng tế bào như phế cầu (Streptococcus Pneumoniae), vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) dễ bị tiêu diệt bởi các loại kháng sinh thông thường có khả năng phá hủy màng tế bào của vi khuẩn.
Viêm phổi không điển hình là những loại vi khuẩn không có màng tế bào, như Mycoplasma Pneumoniae, Chlamydophila Pneumoniae, Legionella Pneumophila, nên kháng sinh thông thường tác động phá hủy lớp vỏ vi khuẩn không có tác dụng, mà phải là kháng sinh loại ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn.
Thứ hai là triệu chứng khác nhau. Viêm phổi không điển hình có triệu chứng trái ngược với viêm phổi điển hình. Viêm phổi không điển hình có triệu chứng nhẹ hơn điển hình, như: Viêm phổi điển hình khởi phát đột ngột cấp tính như sốt cao, lạnh run, đau đầu dữ dội, nhức mỏi toàn thân, ho có đờm, toàn trạng suy nhược, phổi bị tổn thương nhanh chóng khiến cho người khó thở, người bệnh phải nằm bẹp trên giường.
Còn viêm phổi không điển hình khởi phát từ từ, triệu chứng kéo dài nhiều tuần, sốt nhẹ, cảm giác khó chịu như cảm lạnh thông thường, ho khan, toàn trạng tốt, bệnh nhân đi lại và sinh hoạt bình thường, do đó viêm phổi không điển hình còn được gọi là “viêm phổi đi bộ” (walking pneumonia). Ngoài ra, viêm phổi không điển hình còn có triệu chứng ngoài phổi như viêm kết mạc, phát ban đỏ…
Lý do tại sao viêm phổi không điển hình có triệu chứng nhẹ? Là do vi khuẩn Mycoplasma là loại vi khuẩn không điển hình, cấu trúc tế bào không đầy đủ như không có vách, chỉ có màng bào tương và có bộ gen nhỏ dưới 1.000 gen, kích thước rất nhỏ, cấu tạo tế bào tối giản nên hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh không nhận ra được vi khuẩn nên không tấn công nó, bạch cầu không thực bào để loại trừ nó, từ đó cơ thể không gây ra phản ứng viêm đầy đủ.
Vi khuẩn trốn tránh được miễn dịch, nó âm thầm tấn công bên trong tế bào cơ thể cho đến khi tế bào bị tổn thương nhiều thì cơ thể mới xuất hiện triệu chứng. Khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch này cho phép M.pneumoniae tồn tại trong đường hô hấp trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, dẫn đến nhiễm trùng mãn tính.
Cũng vì vi khuẩn không có vỏ bọc, nên các loại thuốc kháng sinh thông thường có tác dụng phá hủy vỏ bọc vi khuẩn mà bà con mình thường dùng sẽ “bó tay” không có tác dụng với vi khuẩn không điển hình này.
Để phòng ngừa viêm phổi không điển hình ở trẻ em cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn và vắc xin cúm; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC