.

Vì sao bệnh tay chân miệng lại nổi bóng nước toàn thân?

Cập nhật: 21:08, 09/01/2024 (GMT+7)

(ABO) Chị K., quê ở Tiền Giang có con trai bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, con chị K. bệnh không giống như bệnh tay chân miệng thông thường, bóng nước nổi khắp người, chứ không chỉ ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng. Chị K. đưa con khám ở trạm y tế xã và sợ bị chẩn đoán nhầm bệnh khác như thủy đậu, nên chị tiếp tục đưa con đi khám bác sĩ ở tuyến trên.

Sau khi bác sĩ khám cho chị K., rồi giải thích cho chị biết, với bóng nước hiện tại trên da của con chị, bác sĩ có thể đoán 80% là bệnh tay chân miệng. Không cần thiết phải làm xét nghiệm xác định nguyên nhân, vì xét nghiệm PCR tốn kém về thời gian, tiền bạc và chỉ dành cho trường hợp khó chẩn đoán hoặc nguy cơ biến chứng nặng.

Về chuyên môn, theo các kết quả nghiên cứu, độ nhạy của chẩn đoán bệnh tay chân miệng dựa trên triệu chứng bao gồm các bóng nước ở tay, chân, miệng, mông là khoảng 70% - 80%. Điều này có nghĩa là trong 100 trường hợp bị bệnh tay chân miệng, có khoảng 70 - 80 trường hợp sẽ được chẩn đoán chính xác dựa trên triệu chứng.

Riêng bóng nước giữa bệnh thủy đậu và tay chân miệng hoàn toàn khác nhau nếu mọi người chịu khó để ý kỹ sẽ thấy:

Bóng nước thủy đậu hầu như không có nốt ở lòng bàn chân, bàn tay. Bóng nước thủy đậu thường có kích thước từ 1 - 3mm, có thể to hơn ở những trường hợp nặng hoặc khi bị nhiễm trùng. Ban đầu bóng nước chứa dịch trong vắt rất nông mọc trên nền ban đỏ của da, sau 24 giờ thì hóa đục ngầu, sau đó bể ra. Mụn nước ngứa, ấn vào trẻ thấy đau, trên một vùng da có thể thấy mụn nước các độ tuổi khác nhau.

Bóng nước tay chân miệng có đường kính khoảng 2 - 10 mm, màu hồng nhạt hoặc xám, hình bầu dục. Bóng nước chứa dịch đục, chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

Bóng nước nổi ở toàn thân không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, các bóng nước sẽ tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi vi rút tấn công lên não sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Các nguyên nhân chính nổi bóng nước toàn thân bao gồm: Loại vi rút gây bệnh: Vi rút Coxsackievirus A16 thường gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, trong khi vi rút Enterovirus 71 có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn, bao gồm cả nổi mụn nhiều ở toàn thân. Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu hơn nên thường có các triệu chứng nặng hơn, bao gồm triệu chứng nổi mụn nhiều hơn. Tình trạng sức khỏe: Những người có sức khỏe yếu, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy giảm, có thể có các triệu chứng nổi mụn nước nhiều. Điều kiện sống: Những người sống trong môi trường vệ sinh kém, chăm sóc không tốt có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao hơn và có các triệu chứng bóng nước nhiều hơn.

Hiện không có cách nào giảm thiểu số lượng mụn nước khi mắc bệnh tay chân miệng, vì vậy biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh là chính, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, tránh tiếp xúc với người bệnh. Việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh răng miệng và toàn thân rất quan trọng, không kiêng tắm nhằm phòng tránh bội nhiễm vi trùng các vết mụn nước.

Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.