.

Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang Nguyễn Văn Dương: Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển

Cập nhật: 10:11, 26/02/2024 (GMT+7)

Năm 2023, các hoạt động chuyên môn, chỉ tiêu cơ bản của ngành Y tế Tiền Giang đều đạt theo kế hoạch được giao. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024), Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức đối với ngành y tế tỉnh nhà hiện nay.

 

* Phóng viên (PV): Trong điều kiện hiện nay, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã và đang đối mặt với những cơ hội cũng như thách thức gì, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương: Về cơ hội, Tiền Giang rất cần sự hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh, trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, chính trị, kỹ thuật… Do đó, ngành Y tế Tiền Giang đã ký hợp tác với TP. Hồ Chí Minh về chuyển giao kỹ thuật trong y khoa.

Ngành Y tế tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản. Lực lượng y, bác sĩ đã và đang được đào tạo ngày càng tăng. Đặc biệt, có được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ ngành và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự chia sẻ của nhân dân.

Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, mô hình bệnh tật thay đổi; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại hoặc phát sinh mới; tình trạng các dịch bệnh mới nổi chưa có tiền lệ, không dự báo được; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng; những tai biến chuyên môn khó lường vượt ngoài khả năng của y học thỉnh thoảng vẫn xảy ra; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và lối sống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân…

Yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) là đòi hỏi bức thiết từ thực tế cuộc sống, là yêu cầu chính đáng của người dân cần được đáp ứng nhưng nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế để đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát sinh chưa đầy đủ. Khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; thiếu nhân lực mà việc thu hút nhân lực trình độ cao cho ngành Y tế của tỉnh đang gặp khó…

Trong khi đó, nhân lực ngành Y tế hiện tại đang gánh vác khối lượng công việc phát sinh ngày càng nhiều nhưng số lượng cán bộ y tế vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, Tiền Giang có vị trí gần TP. Hồ Chí Minh, khiến nhân viên y tế có sự so sánh về thu nhập và điều kiện làm việc dẫn đến tình trạng chuyển dịch nhân lực về tuyến trên. 

Thêm khó khăn nữa là các cơ sở pháp lý chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn gây khó khăn trong đấu thầu mua sắm, thực hiện tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá dịch vụ y tế… Việc thanh quyết toán chi phí KCB bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa kịp thời cũng gây khó khăn cho cơ sở điều trị.

Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang).       Ảnh: THỦY HÀ
Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang). Ảnh: THỦY HÀ

* PV: Vậy theo Tiến sĩ, đâu là giải pháp để khắc phục khó khăn và tận dụng lợi thế để ngành Y tế tỉnh nhà phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình tình mới?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương: Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, để phát triển thì ngành Y tế phải biết nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Vì thế, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.

Cụ thể là đào tạo các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu; đào tạo thường xuyên, liên tục cho các đối tượng còn lại. Các cơ sở y tế tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu. Triển khai các kỹ thuật mới theo đề án hợp tác với TP. Hồ Chí Minh; tạo môi trường làm việc thoải mái, chế độ đào tạo bổ nhiệm minh bạch rõ ràng; xây dựng chính sách hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực về tỉnh. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong y tế theo xu hướng chung của Việt Nam hiện nay, bởi vì công nghệ y tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế. Thúc đẩy sử dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý y tế là cần thiết để cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân và nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế.

Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị trung ương có giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề cơ chế pháp lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong thanh quyết toán KCB bảo hiểm y tế…

* PV: Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tiến sĩ có gửi gắm gì đối với đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương: Thực hiện Kế hoạch của Bộ Y tế về tổ chức các hoạt động truyền thông hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024), Sở Y tế đã có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tùy vào điều kiện thực tế của mình để tổ chức lễ kỷ niệm, tọa đàm, các hoạt động ý nghĩa… nhằm ôn lại truyền thống Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2; đồng thời, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thời gian qua.

Các hoạt động đã diễn ra sôi nổi, ý nghĩa đem lại niềm tự hào, không khí phấn khởi, vui tươi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang trong ngày kỷ niệm của ngành. Từ đó, thúc đẩy tinh thần làm việc hăng say, phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ y tế, đội ngũ y, bác sĩ trở thành những tấm gương tốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Lương y như từ mẫu”. Nhân dịp này, đại diện Ban Giám đốc Sở Y tế cũng đã đến thăm và tham dự Họp mặt kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại các đơn vị.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tôi xin gửi đến toàn bộ cán bộ và nhân viên ngành Y tế tỉnh nhà lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và kiên cường. Dịp này, tôi cũng có một số gửi gắm đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Y tế.

Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, xác định cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình KCB theo hướng nhanh gọn, chính xác là nội dung trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.

Tiếp tục nâng cao chất lượng KCB; cập nhật các hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị, hoàn thiện các quy trình chuyên môn. Chú trọng y đức, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng động, linh hoạt và tích cực phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật.

Song song đó, ngành Y tế cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền giáo dục sức khỏe và vận động cộng đồng tích cực tham gia phòng, chống dịch. Thực hiện hiệu quả các nội dung của chương trình mục tiêu y tế - dân số;  quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho tất cả các cán bộ, viên chức và người lao động tại đơn vị.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.