Thứ Tư, 28/02/2024, 14:47 (GMT+7)
.
KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC VÀ CHỐNG ĐỘC NHI, BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH TIỀN GIANG:

Ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Hữu Đức, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhi (HSTC&CĐN), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Tiền Giang cho biết, sau 10 năm thành lập, Khoa HSTC&CĐN đã tập trung phát triển hai mũi nhọn ưu tiên là hồi sức sơ sinh và hồi sức chống độc trẻ em, triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại để cứu sống bệnh nhân nặng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe trẻ em tỉnh nhà.

Thứ nhất, trong lĩnh vực sơ sinh, những trường hợp bệnh rất nặng trước đây phải chuyển lên tuyến trên điều trị như phổi non, suy hô hấp sơ sinh nặng, thiếu máu não, tổn thương não sau sinh, thì hiện nay, hầu hết đều được giữ lại điều trị thành công tại Khoa HSTC&CĐN.

Nhiều kỹ thuật hiện đại được Khoa HSTC&CĐN, BVĐK tỉnh Tiền Giang ứng dụng trong điều trị đã cứu sống bệnh nhân nặng.
Nhiều kỹ thuật hiện đại được Khoa HSTC&CĐN, BVĐK tỉnh Tiền Giang ứng dụng trong điều trị đã cứu sống bệnh nhân nặng.

Điển hình như bệnh suy hô hấp do phổi còn non, nhờ kỹ thuật bơm chất hoạt diện surfactant kết hợp thở máy rung tần số cao (HFO) đã cứu sống hàng chục ca, tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm đáng kể. Để việc triển khai máy thở rung tần số cao là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài. BVĐK tỉnh Tiền Giang đã cử một đội ngũ cán bộ y tế đi đào tạo ở tuyến trên chuyên sâu về điều trị và sử dụng máy thở HFO.

Ngoài ứng dụng máy thở HFO trong điều trị suy hô hấp sơ sinh, Khoa HSTC&CĐN còn áp dụng phương pháp mới là hạ thân nhiệt chỉ huy cấp cứu sơ sinh. Hạ thân nhiệt chỉ huy là một phương pháp điều trị được sử dụng để bảo vệ não bộ của trẻ sơ sinh không bị tổn thương do thiếu oxy.

Phương pháp này bao gồm việc hạ thân nhiệt của bé xuống 33 - 34°C trong 72 giờ để điều trị trẻ sơ sinh trong các trường hợp bị ngạt thở khi sinh, thiếu máu não, bị tổn thương não do chấn thương. Hạ thân nhiệt chỉ huy đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện tiên lượng cho trẻ sơ sinh bị tổn thương não. Phương pháp này có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng lâu dài ở trẻ.

Hạ thân nhiệt chỉ huy là một phương pháp điều trị chuyên sâu nên chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên môn sâu.

Thứ hai, trong lĩnh vực hồi sức, chống độc nhi, nhiều kỹ thuật mới được triển khai như lọc máu liên tục, sử dụng các loại thuốc hồi sức hiện đại rất hiệu quả trong cấp cứu nội khoa. Lọc máu liên tục là kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu nhi đã được Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao cho các bác sĩ BVĐK tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua và được bệnh viện chuẩn bị tốt về con người, phương tiện nhằm nâng cao chất lượng điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh. Được biết vừa qua, đã có 3 trường hợp lọc máu liên tục để điều trị bệnh nặng ở BVĐK tỉnh Tiền Giang, trong đó có 2 trường hợp thành công, 1 trường hợp thất bại.

Riêng về việc ứng dụng sự tiến bộ trong việc dùng thuốc vận mạch trong điều trị sốc nhiễm trùng là một trong những thành công của tập thể các thầy thuốc trong Khoa HSTC&CĐN. Sốc nhiễm trùng là một tình trạng nguy hiểm xảy ra khi nhiễm trùng gây ra huyết áp thấp và giảm tưới máu đến các cơ quan. Sốc nhiễm trùng có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Thuốc vận mạch là một phần quan trọng trong điều trị sốc nhiễm trùng, chúng được sử dụng để tăng huyết áp và cải thiện tưới máu đến các cơ quan.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng thuốc vận mạch để điều trị sốc nhiễm trùng. Những tiến bộ này bao gồm các chiến lược điều trị mới nhờ sử dụng nhuần nhuyễn thuốc vận mạch với mục tiêu duy trì huyết áp ổn định và điều trị theo hướng dẫn bằng đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), sử dụng máy siêu âm tại giường đánh giá lượng dịch trong cơ thể đã được chứng minh là cải thiện kết quả ở bệnh nhân sốc nhiễm trùng. Sự hiểu biết tốt hơn về sinh lý bệnh của sốc nhiễm trùng và việc sử dụng thuốc vận mạch hiệu quả hơn đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân sốc nhiễm trùng.

10 năm không phải là thời gian dài cũng không phải ngắn để phát triển Khoa HSTC&CĐN, nhưng với những tiến bộ đã đạt được như giảm tỷ lệ tử vong, phát triển kỹ thuật điều trị mới, là những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Khoa HSTC&CĐN còn nhiều thách thức như sự xuất hiện các bệnh mới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật của thời đại 4.0 như hiện nay đòi hỏi khoa cần phải làm nhiều việc để cải thiện hơn nữa chất lượng điều trị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám, chữa bệnh cho trẻ em.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.