Thứ Ba, 27/02/2024, 11:31 (GMT+7)
.

Kỹ thuật ghép tạng – Viết tiếp những kỳ tích - Bài 2: Những bước đầu gian khó

Đến thăm Báo SGGP vào những ngày đầu xuân 2024, GS-TS Thiếu tướng Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Phẫu thuật gan mật tụy Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Quân y 103, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân y, vui mừng chia sẻ về những thành tựu của ngành ghép tạng Việt Nam thời gian qua.

Từ những ngày đầu gian khó và bài học mà cố GS Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc BV Quân y 103, “tổng chỉ huy” ca ghép thận đầu tiên trên người cách đây 32 năm, truyền lại cho hậu bối, đến nay kỹ thuật ghép tạng đã viết nên những kỳ tích.

Niềm vui của bệnh nhân đầu tiên được ghép tim - phổi tại Bệnh viện Việt Đức.
Niềm vui của bệnh nhân đầu tiên được ghép tim - phổi tại Bệnh viện Việt Đức.

Từ ca ghép thận đầu tiên

“Đó là ngày 4-6-1992, bệnh nhân đầu tiên được ghép thận là Thiếu tá Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi, Chủ nhiệm Thông tin Quân đoàn 3) và người tự nguyện cho thận là anh Vũ Mạnh Toàn (26 tuổi, em ruột Thiếu tá Đoan)”, Thiếu tướng Lê Trung Hải nhớ lại.

Đúng 7 giờ sáng, đường dao đầu tiên được rạch lấy thận để ghép với sự hỗ trợ tích cực của GS Chu Shu Lee, lãnh thổ Đài Loan, chuyên gia hàng đầu của châu Á về ghép thận thời điểm đó. GS Lê Thế Trung cùng ê kíp BV Quân y 103 trải qua 6 giờ phẫu thuật vô cùng căng thẳng, để rồi sau đó tất cả vỡ òa vui mừng vì ca ghép đã thành công. Thời điểm đó, nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về phương tiện, kỹ thuật và cái gì khi thực hiện lần đầu tiên cũng rất áp lực, nhất là với một ca ghép thận trên người sống, vì thực tế trong y văn thế giới, có không ít trường hợp thất bại, người bệnh tử vong ngay trên bàn mổ…

GS Lê Trung Hải kể: “Chuẩn bị cho ca ghép thận đầu tiên, GS Lê Thế Trung và đồng nghiệp đã cử nhiều học viên thuộc các chuyên khoa khác nhau sang Cuba học tập trong 6 tháng”. Để bảo đảm triển khai ca ghép thành công và an toàn tính mạng, sức khỏe người bệnh, GS Lê Thế Trung và đồng nghiệp còn mời các chuyên gia nước ngoài sang chỉ dẫn, giúp đỡ, trong đó có GS Chu Shu Lee. Sau thành công đầu tiên, các ca ghép thận sau đó tại BV Quân y 103, GS Chu Su Lee tiếp tục hỗ trợ”.

Trong ca ghép thận thứ 2 vào ngày 5-6-1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã đến BV chứng kiến, thăm hỏi bệnh nhân và căn dặn các thầy thuốc khắc phục mọi khó khăn, tích cực nghiên cứu để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại vào việc phát triển các kỹ thuật y học chuyên sâu ở nước ta, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Được sự hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp của GS Chu Su Lee, các ca ghép thận sau đó tại BV Quân y 103 cứ thế được thực hiện nhịp nhàng, thành công, mang lại niềm vui, niềm hy vọng sống cho những người bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, đội ngũ y bác sĩ ghép thận của nước ta cũng trưởng thành rất nhiều. Đến ca ghép thận thứ 9 tại BV Quân y 103, các thầy thuốc Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thực hiện thành công. Nhớ lại ca ghép thận này, GS Lê Trung Hải cho biết, ca phẫu thuật được thực hiện ngày 20-7-1993. Bệnh nhân là ông Lê Thanh Nghiêm (sinh năm 1960, quê ở Phú Yên) bị suy thận giai đoạn cuối và người cho thận là chị ruột của bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của 2 người vẫn rất tốt.

GS Lê Trung Hải cho biết, việc nghiên cứu về ghép tạng tại Việt Nam đã được bắt đầu từ những năm 1960, nhưng do chiến tranh, bao vây cấm vận nên những ý tưởng nghiên cứu không được tiếp tục thực hiện. Phải tới cuối những năm 1980, 1990, GS Lê Thế Trung mới xây dựng lại chương trình ghép tạng.

Đến ca ghép gan đi vào lịch sử

Ngay sau khi những ca ghép thận được bác sĩ Việt Nam thực hiện thuần thục, Học viện Quân y đã lựa chọn mục tiêu thứ 2 là ghép gan. Theo GS Lê Trung Hải, học viện đã thành lập Hội đồng Tư vấn chuyên môn ghép gan với 2 đồng Chủ tịch là GS-TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân y lúc đó) cùng GS Lê Thế Trung.

Phải mất hơn 10 năm tích cực chuẩn bị, đến ngày 31-1-2004, ca phẫu thuật ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam mới được thực hiện tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Người nhận gan là cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi) và người cho gan là anh Nguyễn Quốc Phòng (31 tuổi, cha của Diệp, quê xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên này do GS Lê Thế Trung làm tổng chỉ huy và GS Lê Trung Hải là một trong những phẫu thuật viên chính. Sau hơn 19 giờ căng thẳng, ca ghép gan đã thành công và đi vào lịch sử y học Việt Nam với nhiều tiêu chí không tưởng.

Khi ca ghép gan cho cháu Diệp được thực hiện, có 5 chuyên gia hàng đầu về ghép gan của Trường Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) do GS Makuuchi (cũng là thầy của GS Lê Trung Hải) dẫn đầu, sang hỗ trợ. Cùng với đó là sự tham gia của 120 giáo sư, bác sĩ Việt Nam tới từ nhiều bệnh viện trong nước chia thành 5 kíp mổ chính và 24 tổ phục vụ. Ca ghép gan này đã sử dụng khoảng 70 loại thuốc khác nhau có trị giá hơn 70.000 USD, đồng thời gần 300 sinh viên của Học viện Quân y đã tình nguyện hiến 25 lít máu cho ca ghép. Thời gian phẫu thuật của ca ghép cũng kéo dài tới 19 giờ (vượt 7 giờ so với dự kiến ban đầu là 12 giờ).

GS Lê Trung Hải đánh giá, trong số các kỹ thuật về ghép tạng thì ghép gan rất phức tạp và khó khăn nên ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho những người bị bệnh gan mãn tính mà trước đây được coi là bệnh nan y, hết thuốc chữa. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế của khoa học ghép tạng và tay nghề, trình độ chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam.

Và ghép tim từ người cho chết não

Sau thành công của ca ghép gan đầu tiên, năm 2005, Học viện Quân y đã lựa chọn tiếp mục tiêu thứ 3 là ghép tim. Năm 2007, học viện đã xây dựng một đề tài độc lập cấp Nhà nước do GS-TS Phạm Gia Khánh làm chủ nhiệm về “Nghiên cứu một số vấn đề ghép tim thực nghiệm trên lợn để tiến tới ghép tim trên người”, đồng thời thực nghiệm, thực hành ghép tim cho hơn 100 con lợn, đạt kết quả tốt.

Học viện Quân y đã lựa chọn phương pháp ghép tim từ người cho chết não. Phương pháp này tuy không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi tiến hành song song 2 ca mổ ở người cho và người nhận. Đặc biệt nhạy cảm ở vấn đề, người cho đồng nghĩa với việc từ giã cõi đời, trong khi thời điểm đó việc người hiến xác cho y học là rất hiếm. Bên cạnh đó, học viện đã cử nhiều thầy thuốc đi học tập mổ tim ở nước ngoài, đầu tư mua sắm trang thiết bị, thuốc men và các vật tư cần thiết khác; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ sở phẫu thuật tim trong nước để thu hút sự hỗ trợ cả về nhân lực, kỹ thuật, trang thiết bị... cho việc phẫu thuật tim.

Sau hơn 5 năm tích cực chuẩn bị, ngày 17-6-2010, ca ghép tim trên người đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện tại BV Quân y 103. Người nhận tim là anh Bùi Văn Nam (48 tuổi, quê ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4, điều trị nội khoa không hiệu quả và có nguy cơ tử vong.

Ca ghép tim được các y bác sĩ Việt Nam tiến hành là chủ yếu, với khoảng 90% khối lượng công việc và 2 chuyên gia đến từ Đài Loan giúp đỡ về kỹ thuật. Sau 2 giờ, ca ghép tim đã thành công và sau 7 ngày, sức khỏe anh Bùi Văn Nam ổn định, các chỉ số theo dõi trong phạm vi bình thường.

Theo đánh giá của Bộ Y tế và nhiều chuyên gia, ca ghép tim trên người đầu tiên ở Việt Nam thành công không những mở ra hy vọng sống cho những người bị bệnh tim hiểm nghèo mà trước đây thường phải ra nước ngoài chữa chạy hoặc là chờ chết.

Sự kiện này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định vị thế của khoa học ghép tạng, chuyển giao kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tim cho các cơ sở y tế khác trong nước và gợi mở các lĩnh vực ghép tạng mới như: ghép tụy, ghép phổi, ghép ruột và ghép đa tạng.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.