Chủ Nhật, 11/02/2024, 22:37 (GMT+7)
.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở, khắc phục triệt để quá tải bệnh viện

Năm 2023, cả nước có hơn 150 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Hệ thống khám, chữa bệnh đã tiếp nhận số lượng người bệnh tăng gần 30% so với năm 2022 và giai đoạn dịch COVID-19.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang có số bệnh nhân đăng ký Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN
Bệnh viện đa khoa Đức Giang có số bệnh nhân đăng ký Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở

Để hạn chế tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để làm tốt nhiêm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm các trường hợp chuyển tuyến không cần thiết.

Bộ thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Đồng thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Như vậy, bên cạnh việc thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26-5-2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dưới. Bộ Y tế còn triển khai chính sách khuyến khích bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác có thời hạn ở bệnh viện thuộc các vùng miền núi, vùng khó khăn, góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Bộ Y tế chú trọng đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Đến nay, cả nước có 23 bệnh viện hạt nhân (14 bệnh viện trực thuộc Trung ương, 8 bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 1 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh. Ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án.

Để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện hạt nhân đã khảo sát nhu cầu khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển như cấp cứu tim mạch, cấp cứu sản khoa, chấn thương sọ não… Các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh thống nhất các kỹ thuật để chuyển giao và cách thức chuyển giao các kỹ thuật này.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất

Ngành Y tế tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của bệnh viện vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Các Bệnh viện hạt nhân được trang bị máy mô phỏng và nhiều thiết bị khác để phục vụ việc đào tạo cho các kíp kỹ thuật bệnh viện vệ tinh. Bệnh viện vệ tinh được trang bị máy, trang thiết bị để phục vụ việc tiếp nhận kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc.  

Việc thiết lập hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) đã giúp 100% các bệnh viện vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa với Bệnh viện hạt nhân.

Nhận thức của cán bộ y tế về hoạt động của mô hình bệnh viện vệ tinh trong nâng cao năng lực cho y tế cơ sở thông qua công tác truyền thông được nâng cao. Ngành tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Đồng thời tuyên truyền hình ảnh, hoạt động của đề án bệnh viện vệ tinh và các hoạt động đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.

Đặc biệt, Đề án thí điểm "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020" áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Long An, Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Các trạm y tế thực hiện được nguyên lý của y học gia đình, chăm sóc sức khỏe lồng ghép, nhất là có thể thực hiện ngay việc theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân; triển khai ngay việc quản lý, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, chăm sóc giảm nhẹ…, đã giúp người dân của các địa phương này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Khắc phục triệt để quá tải bệnh viện

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục các giải pháp đồng bộ, tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện đề án vệ tinh giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại các bệnh viện tuyến trung ương đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm.

Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường theo Quyết định số 1718 ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt Đề án "Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025".

Theo đó, Bộ Y tế đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Ngành phấn đấu đến năm 2025 có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

(Theo https://baotintuc.vn/chinh-sach/nang-cao-nang-luc-y-te-co-so-khac-phuc-triet-de-qua-tai-benh-vien-20240211120035265.htm)

.
.
.