Chú ý bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng
Sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, tại Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành Nam bộ xuất hiện tình trạng số lượng, cường độ của các đợt nắng nóng gia tăng, kéo dài. Điều này làm cho các dịch bệnh như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… xảy ra nhiều.
BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP
Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài và trở nên khắc nghiệt hơn khiến nhiều người mắc các vấn đề sức khỏe. Trong đó, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và trẻ em là những đối tượng bị thời tiết nắng nóng tác động sức khỏe nhiều nhất. Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Cao Hồng Như, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao so với thời điểm trước tết. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.000 đến 3.000 lượt khám.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang |
Theo BSCK2 Cao Hồng Như, có 6 nhóm bệnh dễ mắc phải nhất trong điều kiện thời tiết hiện nay. Trước tiên phải nhắc đến bệnh lý tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài 37 - 380C. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn mau hư hỏng, dễ bị hôi thiu hơn bình thường, nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Ngoài ra, khi nắng nóng, mọi người sẽ tìm cách uống mọi loại nước nhằm thỏa cơn khát, do đó dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.
Số liệu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, 10 loại bệnh nhập viện nhiều nhất tại bệnh viện trong năm 2023 là viêm phổi, chấn thương phần mềm, các loại ung thư, viêm dạ dày, các loại gãy xương, tiêu chảy, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, sỏi tiết niệu và ruột thừa. Trong đó, 10 bệnh gây tử vong cao nhất trong năm qua là đa chấn thương, chấn thương sọ não, viêm phổi, sốc nhiễm độc, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hậu Covid-19, suy tim, xơ gan và tiểu đường. Trong tháng 1-2024, 10 nhóm bệnh nhập viện nhiều tại bệnh viện là viêm phổi, chấn thương phần mềm, các loại bệnh ung thư, các loại gãy xương, viêm dạ dày, tiêu chảy, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, viêm phế quản và sỏi niệu. |
Bệnh lý về tim mạch cũng đáng quan tâm. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột, sẽ dẫn đến thiếu máu não, hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim. Trời quá nóng còn khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại, làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu loát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.
BSCK2 Cao Hồng Như, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang khám bệnh cho bệnh nhân. |
Bệnh lý hô hấp như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi là những bệnh thường thấy. Các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mạn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát vì dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân do khí hậu nóng nực làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ vi khuẩn, vi rút và tống ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến cho niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập vào sâu bên trong gây bệnh.
Bệnh về hệ thần kinh trung ương cũng dễ phát tác. Trời nóng quá sẽ dễ làm say nắng, gây choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu. Bệnh nhân bị tổn thương não bộ do quá nóng làm cơ thể mất hoàn toàn khả năng điều hòa thân nhiệt và làm suy đa cơ quan phủ tạng, rất dễ tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt cao 41 - 420C không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân bị co giật, nói sảng, thậm chí hôn mê, tim chậm hoặc loạn nhịp tim, huyết áp thấp...
Đặc biệt, nắng nóng sẽ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi mà hệ tim mạch, hô hấp và não bộ chưa hoàn chỉnh để ứng phó, điều hòa theo nhiệt độ môi trường. Với trẻ nhỏ, hệ da và hệ tuần hoàn cũng còn yếu, lại chưa ý thức được khi nào cần uống đủ nước, ăn uống giữ vệ sinh. Ngoài ra, người lớn trên 60 tuổi cũng là đối tượng dễ mắc bệnh mùa nóng do sức đề kháng giảm, các cơ quan đã lão hóa.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. |
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi, khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em mùa nắng nóng thường tăng cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời. Ngoài ra, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm cho trẻ thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở...
CÁCH PHÒNG BỆNH BSCK2 Cao Hồng Như cho rằng, cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước nhưng nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều trong một lần; đem theo khăn mát để lau cơ thể, phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài; nên ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản; ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Đối với trẻ em, phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chơi đùa; ăn uống hợp vệ sinh. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
Đối với mọi người, khi sử dụng máy lạnh, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27 - 280C. Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ, như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, rồi rửa mặt bằng nước, hoặc lau bằng khăn ướt, sau đó mới bước vào phòng máy lạnh. Ngược lại, không nên đột ngột ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng máy lạnh với nhiệt độ thấp. Trước khi ra ngoài trời, cần để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy.
THỦY HÀ