Giám sát chặt buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi
Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người và rất tiếc trường hợp nhiễm mới nhất tháng 3/2024 đã tử vong. 60%-80% các bệnh truyền nhiềm mới nổi ở trên người là có nguồn gốc từ động vật, do đó, việc săn bắt động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe với con người.
Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Tổ chức Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã. |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã
Chỉ sau thời gian dịp Tết Nguyên đán 2024 đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống, nam thanh niên 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã bị nhiễm cúm A/H5N1 và do diễn biến bệnh quá nặng, bệnh nhân tử vong vào ngày 23-3.
Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam, dấy lên lời cảnh báo về việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60%-80% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người là có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số đó là có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Việt Nam được biết đến là một điểm nóng trong chuỗi buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.
Trong đó, cúm A/H5N1 được biết đến là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm và một số loài động vật khác và có thể lây nhiễm cho con người, gây bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao.
Ngoài cúm gia cầm, chim hoang dã còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm của một số bệnh khác như bệnh sốt Tây Sông Nin, các bệnh do vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Samonella, bệnh ký sinh trùng… mặc dù không phải trong mọi trường hợp bệnh đều lây trực tiếp từ động vật hoang dã sang người. |
Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Tổ chức Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Văn phòng Việt Nam cho biết, từ 2010 tới nay, WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại Việt Nam.
"Kết quả của các nghiên cứu phát hiện trên cả động vật và người 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật. Trong đó, ngoài 20 virus đã biết, có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây bao gồm 5 chủng virus thuộc họ corona (gồm các virus đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, Covid-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng virus thuộc họ Herpes (gồm các virus đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng virus thuộc họ Paramyxo (gồm các virus đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do virus Nipah cũng là 1 chủng virus thuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng virus Rhabdo (gồm các virus gây bệnh dại…)", bà Thủy cho hay.
Với kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ ra, các hành vi, hoạt động liên quan đến săn bắt, vận chuyển, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người khi có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.
WCS Việt Nam cũng đã thực hiện nghiên cứu thứ cấp về các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Theo đó, có 157 trên tổng số 232 mầm bệnh tổng hợp được có khả năng lây truyền giữa người và động vật, trong đó có 116 mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi.
Đặc biệt, trong năm 2021-2022, WCS Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai giám sát cúm A trên chim hoang dã. Kết quả đã phát hiện chủng virus H5N1 trên loài Cò ốc (Tên khoa học: Anastomus oscitans).
Khó phát hiện chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm
Theo một số kết quả rà soát chỉ ra rằng đã phát hiện virus cúm gia cầm trên hơn 100 loài chim hoang dã, trong đó, có một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển...
Ở gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết. Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận thì hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, do các loài chim hoang dã khi nhiễm virus cúm A thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, chính vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh là chúng ta cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã (động vật hoang dã) nói chung, đặc biệt là chim.
Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí.
Trong trường hợp khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở đặc biệt nếu có liên quan/tiếp xúc với gia cầm hoặc chim thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ở gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết. Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận thì hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng. |
Cần giám sát chặt việc buôn bán, săn bắt động vật hoang dã
Bà Hoàng Bích Thủy cho biết, thời gian qua, thông qua việc phối hợp với các đối tác các cấp từ trung ương đến địa phương để thực hiện các hoạt động tại Việt Nam, WCS Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong cả ngành thú y và y tế trong việc thực hiện giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, bao gồm cả hoạt động tại thực địa và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm, phát hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây truyền giữa người và động vật.
Đặc biệt, WCS đã hỗ trợ xây dựng, tăng cường phối hợp liên ngành thú y, y tế và kiểm lâm ở cấp địa phương trong triển khai hoạt động giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã.
Cùng với đó là các hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, góp ý cho các văn pháp luật, quy định liên quan đến quản lý, bảo tồn động vật hoang dã và phòng chống dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật.
Pháp luật Việt Nam đã có quy định tương đối đầy đủ đối với các hoạt động nuôi, bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định trường hợp nào được coi là sử dụng, tiêu thụ hợp pháp sản phẩm của các loài nêu trên, trường hợp nào bị coi là “tiêu thụ trái phép”. Do đó, mặc dù pháp luật nghiêm cấm nhưng cũng chưa có cơ sở để xác định và xử lý hành vi tiêu thụ trái phép sản phẩm của động vật có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Việc xác định loài động vật hoang dã, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người theo quy định của Điều 240, Bộ Luật Hình sự phải do tổ chức, cá nhân giám định tư pháp có thẩm quyền xác định và không dễ dàng thực hiện trong thực tế. Số lượng vụ án, bị can bị khởi tố về tội phạm này trong những năm qua không nhiều.
Vì vậy, trong thời gian tới, WCS Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền nhằm tăng cường tính khả thi trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh và tránh làm lây lan dịch bệnh.
(Theo nhandan.vn)