Chủ Nhật, 31/03/2024, 15:18 (GMT+7)
.

Vì sao bệnh dại đang có xu hướng gia tăng?

Nuôi chó, mèo từ lâu đã trở thành thú vui của nhiều gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến nguy cơ tấn công con người. Từ đầu năm 2024, số ca mắc bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại cao. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong, tăng 12 ca so với năm 2022. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023).

Người dân đưa chó đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: HẰNG NGA
Người dân đưa chó đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: HẰNG NGA

Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có gần 5 triệu hộ nuôi với hơn 7,6 triệu con chó, mèo; nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông còn phổ biến, việc thống kê ở nhiều nơi chỉ chính xác trung bình khoảng 80%. Như vậy, số hộ nuôi và số chó, mèo thực tế cao hơn nhiều.

Theo phân tích của đại diện Cục Thú y, tổng đàn chó, mèo của cả nước hơn 7 triệu con trong khi tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp (khoảng 47% tổng đàn, chỉ 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn). Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó chưa được tiêm phòng vaccine dại. Mặt khác công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo. Hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông.

Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, nhiều người, gây tử vong và gây bức xúc trong xã hội. Virus dại còn lưu hành trên động vật nhưng nhiều nơi chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định.

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên. Cùng với đó, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít, chưa đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại kịp thời. Hệ thống thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên. Việc phối hợp liên ngành, nhất là ngành thú y, ngành y tế, chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.

Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: HẰNG NGA
Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: HẰNG NGA

Trong thời gian qua, ngành y tế và ngành thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số thành tích nhất định. Năm 2013, hai ngành đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 và đặc biệt là đồng chủ trì Khung Đối tác Một sức khỏe, phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch Chiến lược quốc gia về Một sức khỏe từ năm 2016 đến nay, tập trung vào phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030.

Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị các địa phương đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod, không  băng kín, làm dập vết thương. Sau đó, người dân cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.