Nỗ lực khôi phục tỷ lệ tiêm chủng
(ABO) Tiền Giang là tỉnh nhiều năm duy trì tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao của cả nước. Tuy nhiên, trong năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản chỉ ở mức 92,5%. Tỷ lệ này thấp hơn so với chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Giải thích vấn đề này, Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết nguyên nhân là do tình trạng cung ứng vắc xin bị gián đoạn.
BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang. |
* Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết thành quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã đạt được như thế nào?
* BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp: Chương trình TCMR toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Tuần lễ tiêm chủng thế giới hằng năm là sáng kiến của WHO phát động, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 4 hằng năm nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
Chương trình TCMR tại Việt Nam do Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí, được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vắc xin tăng dần theo thời gian, từ 6 vắc xin thiết yếu vào năm 1985 tới nay đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vắc xin miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai trong TCMR trên toàn quốc bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản với khoảng 35 triệu liều vắc xin mỗi năm.
Qua gần 40 năm triển khai, thành công của Chương trình TCMR đã mang lại những thành tựu to lớn, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam. Từ năm 2015 - 2020, tỷ lệ tiêm chủng duy trì mức cao liên tục đã góp phần quan trọng làm giảm rõ rệt số mắc và chết của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây. Việc cung ứng vắc xin trong TCMR năm 2023 đôi khi không kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tỷ lệ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng.
Tại tỉnh Tiền Giang, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, địa phương luôn duy trì hiệu quả Chương trình TCMR. Công tác TCMR được tổ chức thường xuyên tại 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh vào các ngày 10, 15 và 25, 30 hằng tháng, tạo sự thuận lợi cho các bà mẹ đưa con em đến tiêm chủng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong công tác tiêm chủng. Năm 2023, do tình trạng cung ứng vắc xin bị gián đoạn nên hầu hết tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản là 92,5%.
* PV: Trong năm 2024, Tiền Giang sẽ làm thế nào để tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 truổi đạt miễn dịch cơ bản, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp: Việc duy trì, tăng cường tiêm chủng vắc xin trong Chương trình TCMR có ý nghĩa quan trọng.
Theo cảnh báo của WHO và thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa xuân hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Nếu việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. Do đó, mục tiêu Tiền Giang đặt ra cho năm 2024 là khôi phục tỷ lệ tiêm chủng.
Để có thêm nhiều trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng các vắc xin, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn. Các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh.
Các ngành, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan truyền thông phối hợp cùng ngành Y tế tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TCMR và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; khuyến khích, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng để được bảo vệ khỏi những dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. |
* PV: Như vậy ngành Y tế Tiền Giang sẽ làm gì để đảm bảo nguồn vắc xin phục vụ TCMR, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp: Từ tháng 8-2023, nguồn vắc xin 5 trong 1 phục vụ TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi bị gián đoạn khiến Tiền Giang cũng như các địa phương khác rơi vào tình trạng thiếu vắc xin. Trước tình trạng đó, ngành Y tế tỉnh đã vận động người dân nếu có điều kiện thì đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm ngừa cho trẻ theo đúng lịch và đủ liều. Đối với trường hợp gia đình không có điều kiện thì chờ vắc xin của Chương trình TCMR để được tiêm miễn phí.
Từ đầu năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục cung cấp vắc xin TCMR và ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã triển khai tiêm cho trẻ, vắc xin cấp đến đâu tiêm hết đến đó, không để tồn vắc xin khi trên địa bàn còn đối tượng. Tuy nhiên vào đầu tháng 4-2024, nguồn cung tiếp tục bị đứt gãy nên xảy ra tình trạng không có vắc xin tiêm cho trẻ đến tuổi và đến hẹn.
Sáng 24-4 vừa qua, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa phân bổ cho Tiền Giang 5.370 liều vắc xin DPT - VGB - Hib (SII) thông qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang. SII là vắc xin phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mũ do Hib được sử dụng để tổ chức tiêm trong TCMR. Ngay sau khi tiếp nhận vắc xin, CDC tỉnh Tiền Giang đã phân bổ hết vắc xin cho Trung tâm Y tế 11 huyện, thị, thành phố để cấp cho 172 trạm y tế tiêm cho trẻ vào tháng 4, trong các ngày TCMR tại mỗi địa phương. Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không để tồn vắc xin SII mà vẫn còn trẻ chưa được tiêm.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)