Thứ Ba, 23/04/2024, 10:11 (GMT+7)
.

Cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 16-4, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh dại tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại nước ta, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.

Cha mẹ nên đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh: Phong Lan
Cha mẹ nên đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh: Phong Lan

Đặc biệt, thời gian gần đây, số người chết do bệnh dại liên tục tăng. Từ đầu năm 2024 đến ngày 16-4, ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến ca bệnh dại lại vào những tháng đầu năm. Điều này có thể liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay.

Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Trong đó, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97%, tiếp đến là mèo chiếm 3-4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.

Thời gian gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh dại có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10 đến 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo. Thậm chí có nơi, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 10%.

Do đó, để phòng tránh bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng, không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải rọ mõm, có dây xích, có người dắt. Các địa phương phải tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các địa phương phải bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.