.

Mức sinh giảm thách thức mục tiêu dân số và phát triển

Cập nhật: 16:09, 20/04/2024 (GMT+7)

Việt Nam luôn duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong gần 20 năm liên tục từ năm 2002 đến 2020, nhưng gần hai năm nay, mức sinh của phụ nữ giảm xuống 1,96 con và không đạt mức sinh thay thế. Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số... Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần..., làm chậm quá trình phát triển của kinh tế-xã hội của đất nước.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phát tờ rơi tuyên truyền về công tác dân số cho nhân dân. (Ảnh HUYỀN TRANG)
Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phát tờ rơi tuyên truyền về công tác dân số cho nhân dân. (Ảnh HUYỀN TRANG)

Việt Nam đã chạm mốc hơn 100 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, và xếp thứ 15 thế giới, trong đó những người đang trong độ tuổi lao động chiếm hơn 66% tổng số dân.

Khi nguồn nhân lực giảm

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỷ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người.

Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Khi tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…

Hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung.

Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ giảm sâu: năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,56 con. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực. Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.

Theo PGS, TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, những bài học từ những quốc gia có văn hóa-xã hội tương đồng với Việt Nam, đề cao văn hóa, chịu ảnh hưởng Nho giáo, đề cao giá trị con cái, gia đình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đối diện nguy cơ giảm sinh trong nhiều năm qua và đã có nhiều giải pháp để tăng sinh trở lại, nhưng đều không có dấu hiệu thành công.

Duy trì mức sinh bền vững là cực kỳ quan trọng trong bất kỳ cộng đồng quốc gia nào, nhất là những quốc gia phát triển. Nó quyết định sự tồn tại thành công của quốc gia đó. Thiếu con người là thiếu tất cả, thiếu nguồn lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch quản trị xã hội tầm vĩ mô. Khi tuổi thọ tăng lên, mức sinh giảm đi, thì già hóa dân số rất nhanh.

Thực tế trong những năm gần đây, nguồn lao động là phụ nữ tăng rất cao, chiếm hơn 70%. Trong văn hóa Việt Nam, phụ nữ là người chăm sóc chính trong gia đình… với nhiều lý do như vậy, mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng nhất định những vấn đề nêu trên.

Nhận diện những vấn đề xã hội mới nảy sinh, chúng ta cần cảnh báo thách thức từ mức sinh giảm, để có những điều chỉnh chính sách kịp thời mang tầm vĩ mô và giải pháp truyền thông phù hợp trước khi quá muộn để điều chỉnh tác động đến mức sinh.

Cục trưởng Lê Thanh Dũng chia sẻ, trong muôn vàn lý do dẫn đến việc giảm sinh, cũng còn có những lý do rất tự nhiên của xã hội. Khi quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển, khiến giới trẻ mải mê không điểm dừng.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con… cũng là áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con. Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập, tỷ lệ số dân tại các khu này tính bằng cả phường, nhưng những dịch vụ để phục vụ cho người dân còn thấp và thiếu…

Mặt khác, một vấn nạn vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, là tình trạng nạo phá thai tại các cơ sở y tế công lẫn tư vẫn diễn ra tràn lan, có thể dẫn đến vô sinh hoặc vô sinh thứ phát. Cùng với mức sinh đang giảm thì cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu chuyển sang già hóa.

Năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069 cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người trên 60 tuổi. Như vậy, chúng ta sẽ phải đối diện với hai vấn đề tác động toàn diện đến phát triển kinh tế-xã hội, đó là mức sinh thấp và dân số già. Hệ lụy của những vấn đề này sẽ tác động lâu dài tới số phận của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Bảo đảm mức sinh và nhân lực tương lai

Mức sinh tăng, hay giảm đều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Nếu để mức sinh duy trì thấp trong một thời gian dài sẽ dẫn đến già hóa dân số nhanh, đồng thời thiếu hụt nguồn lao động, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh xuống quá thấp; nhất là ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm đang có mức sinh thấp.

Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, bảo đảm giữ vững mức sinh thay thế, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít; từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng...

Đi tìm giải pháp cho vấn đề giảm sinh, Thạc sĩ Mai Trung Sơn (Cục Dân số) cho biết, dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng có đề xuất 4 biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Đó là: đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Còn theo GS, TS Nguyễn Đình Cử, để tìm giải pháp cho mức sinh trở về mức sinh thay thế, trước mắt cần phải thay đổi chính sách, tuyên truyền linh hoạt hơn.

Trong thời điểm này, chính sách dân số cần một lối rẽ, cần phải thay đổi tư duy truyền thông về chính sách dân số, phải làm sao để tất cả mọi người trong chúng ta đều hiểu rằng không phải nói đến chính sách dân số là nói đến giảm sinh, kế hoạch hóa gia đình.

Cần gỡ bỏ ngay những chính sách chỉ phù hợp với giai đoạn giảm sinh trước đây, và phải có những chính sách cụ thể cho từng vùng, như vùng cần giảm sinh phải có chính sách riêng, còn vùng cần tăng sinh phải nới lỏng chính sách quy định số con và khuyến khích tăng sinh.

Kết hôn và sinh con là chuyện của mỗi cặp vợ chồng được pháp luật công nhận, nhưng kết hôn và sinh con cũng quyết định tương lai của mỗi quốc gia dân tộc. Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để bảo đảm trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi.

Việc duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu “dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn “già hóa dân số”, cải thiện chất lượng dân số.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Dân số, đây cũng chính là giai đoạn các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc chính sách về dân số và phát triển phù hợp, tác động tích cực đến các vấn đề tương lai nguồn nhân lực, sự bền vững tương lai của quốc gia, dân tộc.

(Theo nhandan.vn)


 

.
.
.