Ca ghép thận thành công đầu tiên tại miền Tây
Hơn 20 y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại miền Tây Nam bộ, sau 4 năm chuẩn bị.
Ca ghép diễn ra ngày 25-4, bệnh viện công bố ngày 9-5 sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định. Người được ghép thận là bệnh nhân nam 34 tuổi, giáo viên, quê Bến Tre, suy thận mạn 6 năm, điều trị nội khoa. Người hiến thận là anh của bệnh nhân.
Hai năm trước, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, bác sĩ chỉ định lọc máu, đồng thời thẩm phân phúc mạc. Đầu năm nay, anh đăng ký vào danh sách chờ ghép thận, sau khi bệnh viện Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não.
Ca ghép thận đầu tiên tại miền Tây được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện với sự hỗ trợ của đồng nghiệp từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Hơn 20 y bác sĩ chia thành các ê kíp lấy, rửa, ghép thận phối hợp đồng bộ. Sau 5 giờ phẫu thuật, nước tiểu xuất hiện sau khi niệu quản bệnh nhân được nối chứng tỏ thận mới đã hoạt động, ca ghép thành công.
Sau hai tuần ghép, bệnh nhân sức khỏe ổn định, chức năng thận phục hồi gần như bình thường, dự kiến xuất viện ngày 9-5. Sức khỏe người hiến cũng hồi phục tốt. Kinh phí thực hiện ca ghép khoảng 270 triệu đồng, do các mạnh thường quân tài trợ.
Bà Phan Thị Minh Thu, mẹ bệnh nhân, bày tỏ: "Gia đình tôi rất biết ơn đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm đối với con tôi".
Các y bác sĩ thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: Thanh Phong |
Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, cho biết ca ghép thành công nhờ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, phối hợp đồng bộ của tất cả khâu. Trong đó, các khâu từ nhận tạng hiến đến ghép thận và theo dõi chăm sóc sau ghép rất quan trọng.
"Thành công của ca ghép thận đánh dấu cột mốc đặc biệt quan trọng trong công tác phát triển chuyên môn tại bệnh viện và khu vực Tây Nam bộ", bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện nói, giải thích thêm phẫu thuật ghép thận là kỹ thuật đặc biệt chỉ được thực hiện ở các trung tâm y tế lớn trên cả nước, đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao.
Như vậy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam.
Bệnh nhân hồi phục sau ghép thận. Ảnh: Thanh Phong |
Theo bác sĩ Phong, bệnh viện đã đào tạo 18 bác sĩ, 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ ngoại khoa đến nội khoa, gây mê hồi sức, theo dõi chăm sóc và điều trị bệnh sau ghép, cho lĩnh vực phẫu thuật ghép tạng. Theo kế hoạch, 10 ca ghép đầu tiên sẽ thực hiện với sự hỗ trợ của bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó bệnh viện làm chủ kỹ thuật và tiến hành độc lập.
Hiện có thêm 3 cặp trường hợp khác đã đăng ký hiến và ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Họ sẽ được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, đánh giá khả năng phù hợp để xem xét chỉ định ghép thận trong thời gian tới.
Bệnh viện đặt mục tiêu thực hiện mỗi tháng một ca ghép thận, đồng thời thành lập quỹ hiến, ghép thận cho người dân.
(Theo vnexpress.net)