Thứ Tư, 05/06/2024, 16:13 (GMT+7)
.

Phát hiện độc chất trong nấm và bọ cánh cứng gây ngộ độc ở Lào Cai

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu nấm đã được lấy từ vụ ngộ độc tại huyện Văn Bàn dương tính với Psilocin là hoạt chất thường có trong loại nấm thức thần.

Mẫu nấm có chất Psilocin gây ngộ độc ở huyện Văn Bàn, Lào Cai.
Mẫu nấm có chất Psilocin gây ngộ độc ở huyện Văn Bàn, Lào Cai.

Sáng 5-6, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã thông tin về kết quả kiểm nghiệm mẫu côn trùng và mẫu nấm mà một số người dân ở Lào Cai đã ăn, dẫn tới ngộ độc nặng.

Theo đó, ngày 23-5, tại thôn Sung 2, ở xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm mọc trong vườn nhà làm 3 người nhập viện cấp cứu.

Tiếp đó, ngày 30-5, tại thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cũng có 1 trường hợp nam giới bị ngộ độc nặng sau khi ăn phải một loại côn trùng màu đen, phần đầu màu cam đỏ. Trước 2 vụ ngộ này, cơ quan y tế Lào Cai đã gửi mẫu côn trùng và mẫu nấm loại mà các bệnh nhân đã ăn để kiểm nghiệm (mẫu do người nhà bệnh nhân cung cấp).

Loại bọ cánh cứng có chất Cantharidin gây ngộ độc ở huyện Bảo Thắng.
Loại bọ cánh cứng có chất Cantharidin gây ngộ độc ở huyện Bảo Thắng.

Kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu trên của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu nấm đã được lấy từ vụ ngộ độc tại huyện Văn Bàn dương tính với chất Psilocin. Psilocin là hoạt chất thường có trong loại nấm thức thần, là chất gây ảo giác có trong danh mục chất ma túy bị cấm tại hầu hết quốc gia. Hoạt chất có trong nấm khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất tác động lên não bộ và gây ảo giác, thường là ảo thị, hoang tưởng, hay có hoang tưởng bị hại. Tình trạng này rất nguy hiểm bởi người sử dụng nấm có hành vi tấn công người khác do nghĩ mình bị hại. Hoạt chất Psilocin cũng tác động trên hệ thần kinh tự chủ, gây các rối loạn về huyết động như tăng hoặc giảm nhịp tim, tăng giảm huyết áp tùy thuộc vào liều sử dụng, giãn đồng tử, tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn... Các triệu chứng này xuất hiện khi dùng quá liều và là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Một trường hợp bị ngộ độc nấm ở Lào Cai.
Một trường hợp bị ngộ độc nấm ở Lào Cai.

Còn mẫu côn trùng được người đàn ông ở huyện Bảo Thắng rang ăn phát hiện chất Cantharidin là một chất độc thường có ở các loài bọ cánh cứng. Người nào ăn phải, có thể bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, nguy cơ nhiễm trùng cao do thẩm lậu vi khuẩn gram âm đường ruột và kị khí vào ổ bụng và máu; tổn thương tại niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến đau bụng, buồn nôn... Nếu nặng hơn sẽ làm viêm dạ dày ruột và xuất huyết tiêu hóa làm mất nước nghiêm trọng trong lòng mạch dẫn đến suy giảm chức năng thận sớm.

Theo Sở Y tế Lào Cai, chỉ trong tháng 5, trên địa bàn địa phương này đã xảy ra 3 vụ ngộ độc và 1 ca đơn lẻ mà nguyên nhân là do độc tố tự nhiên làm 11 người mắc và 1 người tử vong. Việc người dân không biết hoặc cố tình ăn các loài động, thực vật có trong tự nhiên mà không rõ có độc hay không có độc thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tử vong là rất lớn.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.