Tiêm vắc xin mũi nhắc đúng lịch giúp duy trì miễn dịch
Nhờ có vắc xin mà hằng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm, thanh toán được bệnh bại liệt, đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván và giảm số ca tử vong gây ra do sởi, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, B, thủy đậu… Tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.
CỨU CÁNH TRƯỚC BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vắc xin tăng dần theo thời gian, từ 6 vắc xin thiết yếu năm 1985, tới nay đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vắc xin miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai trong Chương trình TCMR trên toàn quốc, bao gồm: Vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản với khoảng 35 triệu liều vắc xin mỗi năm.
Tiêm nhắc lại đầy đủ các mũi theo khuyến cáo giúp bảo vệ trẻ trước các bệnh tật nguy hiểm. |
Qua gần 40 năm triển khai, thành công của Chương trình TCMR đã mang lại những thành tựu to lớn, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam. Từ năm 2015 - 2020 tỷ lệ tiêm chủng duy trì mức cao liên tục, đã góp phần quan trọng làm giảm rõ rệt số mắc và chết của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây. Việc cung ứng vắc xin trong chương trình TCMR năm 2023 đôi khi không kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tỷ lệ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng.
Tại tỉnh Tiền Giang, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, địa phương luôn duy trì hiệu quả Chương trình TCMR. Công tác TCMR được tổ chức thường xuyên tại 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh vào các ngày 10 - 15 và 25 - 30 hằng tháng, tạo sự thuận lợi cho các bà mẹ đưa con em đến tiêm chủng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong công tác tiêm chủng. Năm 2023, do tình trạng cung ứng vắc xin bị gián đoạn nên hầu hết tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản là 92,5%.
Do đó, việc duy trì, tăng cường tiêm chủng vắc xin trong Chương trình TCMR có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường công tác truyền thông về vai trò và hiệu quả của tiêm chủng, bảo vệ thành quả đã đạt được trong công tác tiêm chủng, Sở Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tiêm chủng năm 2024 với mục tiêu “khôi phục tỷ lệ tiêm chủng”.
Để có thêm nhiều trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng các vắc xin, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn.
Các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới và thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, thời tiết trong giai đoạn giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Nếu việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn.
CẦN TIÊM VẮC XIN MŨI NHẮC ĐÚNG LỊCH
Việc sử dụng vắc xin là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể. Con người nói chung và trẻ em nói riêng, sau khi được sử dụng vắc xin lần đầu, hệ miễn dịch được kích thích để tạo các đáp ứng miễn dịch đầu tiên, nhưng các đáp ứng này chưa đủ mạnh, chưa bền vững.
Người cao tuổi có bệnh lý nền là một trong những đối tượng cần ưu tiên tiêm mũi nhắc phòng Covid-19. |
Liều vắc xin nhắc lại sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây mẫn cảm để tạo ra đáp ứng miễn dịch lần tiếp theo với cường độ mạnh hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn, thời gian duy trì kéo dài hơn, tức củng cố đáp ứng miễn dịch cho người tiêm về cả hiệu lực và thời gian, bảo vệ cho người tiêm trong tương lai khi gặp phải tác nhân gây bệnh thực sự.
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phù hợp theo lứa tuổi để tạo cho cơ thể trẻ một sức đề kháng tốt hơn để phòng chống các bệnh sau này. Tuy nhiên, để việc phòng bệnh đạt hiệu quả tối ưu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin theo khuyến cáo của Chương trình TCMR dành cho trẻ em. Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ áp dụng với các loại vắc xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, thì một số loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại sau khi đã được tiêm đủ các liều cơ bản, đó là vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván thực hiện tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi và không nên tiêm nhắc trước lịch quy định; nếu trễ lịch tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên để quá 3 tuổi.
Vắc xin bại liệt dạng uống có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể. Vắc xin phòng nhiễm khuẩn do HIP thực hiện tiêm nhắc lúc trẻ được 18 tháng tuổi. Vắc xin viêm não Nhật Bản thì nhắc lại mũi 3 một năm sau mũi 2 và sau đó 3-5 năm nên tiêm nhắc lại.
Vắc xin sởi tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi nếu tiêm mũi đơn hoặc vắc xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh sởi - quai bị - rubella sau 4 năm. Vắc xin cúm được tiêm nhắc lại hằng năm trước mùa dịch, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn...
Vắc xin uống phòng tả nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao. Vắc xin thương hàn tiêm nhắc lại sau 2-3 năm tại những vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Vắc xin phế cầu và vắc xin não mô cầu tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.
Khoa học khẳng định, liều vắc xin tiêm nhắc lại sẽ giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối, góp phần quan trọng trong việc làm giảm đáng kể bệnh tật nguy hiểm ở trẻ, đảm bảo sự bảo vệ đặc hiệu và lâu bền trong cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho trẻ em.
NHÓM NGUY CƠ CẦN TIÊM NHẮC VẮC XIN PHÒNG COVID-19
Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, hiện tại tình hình dịch Covid-19 tiếp tục vẫn có những diễn biến phức tạp, mặc dù tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã được chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, do đó, chúng ta không thể chủ quan đối với căn bệnh này.
Bộ Y tế đã khuyến cáo việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc miễn phí cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 áp dụng cho những người đã tiêm chủng đầy đủ liều vắc xin. Việc tiêm liều nhắc lại nhằm tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ cơ thể của các liều cơ bản. Do đó, tất cả những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ mũi trước đó có thể đăng ký để tiêm mũi nhắc lại.
Riêng 3 nhóm đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền, phụ nữ mang thai và người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lần nào được Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm nhắc lại vắc xin ngừa Covid-19. Thời gian tiêm nhắc khuyến cáo là từ 9-12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng.
THỦY HÀ