Thứ Hai, 10/06/2024, 09:50 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa, cũng là thời điểm bước vào mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh trong năm. Mặc dù hiện tại, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm 2023 nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH.

 Cán bộ y tế kiểm tra chỉ số lăng quăng tại xã Long An, huyện Châu Thành.
Cán bộ y tế kiểm tra chỉ số lăng quăng tại xã Long An, huyện Châu Thành.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến ngày 26-5, toàn tỉnh có 569 ca mắc SXH, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc SXH giảm 57,6%.

Toàn tỉnh ghi nhận 172 ổ dịch SXH và đã được xử lý xong. Các địa phương của tỉnh có số ca mắc SXH cao là huyện Cái Bè 151 ca, huyện Châu Thành 101 ca, TX. Cai Lậy 77 ca…

Hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch SXH, dự báo số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch rất quan trọng. 

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc CDC Tiền Giang, để số mắc SXH không tăng nhanh vào mùa mưa và xảy ra ca tử vong trong thời gian tới, CDC đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh SXH để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Mặt khác, tại các địa phương cần phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.

Tại TP. Mỹ Tho, công tác phòng, chống SXH cũng đang được chủ động ngay từ đầu mùa dịch. Bác sĩ Lê Hữu Quyền, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho cho biết, hiện nay, tình hình bệnh SXH trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp.

Đặc biệt là trong 2 tuần gần đây, số ca bệnh có dấu hiệu gia tăng do bước vào mùa mưa; một bộ phận người dân chưa xử lý tốt các vật chứa nước trong nhà và xung quanh nhà. Tính đến cuối tháng 5-2024, thành phố đã ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh SXH, không có trường hợp tử vong.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân TP. Mỹ Tho vừa triển khai thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng, phòng, chống dịch bệnh SXH đợt 1 năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự chủ động, tham gia tích cực của cộng đồng. Thạc sĩ Võ Văn Tân, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y dược, Sở Y tế cho biết: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra.

Đây là căn bệnh nguy hiểm, có khả năng bùng phát dịch và dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng, chống chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt…

Theo Thạc sĩ Võ Văn Tân, Sở Y tế đã đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại địa phương, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng.

Riêng đối với các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế chỉ đạo giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch SXH xuất hiện trên địa bàn, tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp SXH chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng; về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến. Cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh SXH, đặc biệt lưu ý việc cập nhật thông tin những ca bệnh nặng xin về và tử vong do SXH…

THỦY HÀ - T.HOÀNG

.
.
.