Thứ Tư, 26/06/2024, 14:45 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tập trung thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số

Mục tiêu công tác Dân số của Tiền Giang năm 2024 vẫn là tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng dần mức sinh để đạt mức sinh thay thế vào năm 2030, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể và nhiệm vụ giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu đó.

CHỈ TIÊU CỦA NĂM 2024

Chỉ tiêu cơ bản do Trung ương giao và kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Tiền Giang, năm 2024 Tiền Giang tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng sức khỏe của người dân nhằm đạt tuổi thọ trung bình từ 76 tuổi trở lên và tỷ số giới tính khi sinh là 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Chăm sóc sức khỏe NCT là nội dung được quan tâm trong thực hiện chính sách dân số của tỉnh.
Chăm sóc sức khỏe NCT là nội dung được quan tâm trong thực hiện chính sách dân số của tỉnh Tiền Giang.

Chỉ tiêu chuyên môn, có một số chỉ tiêu thực hiện bằng với năm trước. Đó là tỉnh phấn đấu thực hiện đạt tổng tỷ suất sinh là 1,8 đến 2,1 con/phụ nữ; giảm tỷ số giới tính khi sinh bằng với năm 2023 điểm phần trăm so với năm 2023; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại trong năm là 138.870 người; giảm 30% số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn so với năm 2019 (năm 2019 có 268 trường hợp phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên); tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) đạt 68%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) đạt 90%.

Có 3 chỉ tiêu được điều chỉnh tăng so với năm 2023, đó là tỷ suất sinh thô tăng 0,3‰; tăng thêm 10% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng thêm 10% tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Với chỉ tiêu được giao thì năm 2024 này tỷ suất sinh thô của tỉnh phải đạt 13,3%o; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm phải đạt 60% và số cặp nam, nữ  kết hôn, có khám sức khỏe tiền hôn nhân phải đạt 40%.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA NĂM 2024

Giữa tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu đã ký ban hành Kế hoạch 132 thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với từng chỉ tiêu tỉnh đều có giải pháp cụ thể.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, năm 2023, Tiền Giang thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu về dân số, đặc biệt nhiều chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu cuối kỳ của Chiến lược quốc gia về dân số giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030 như: Tuổi thọ trung bình, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sau sinh, người cao tuổi có bảo hiểm y tế, giảm số vụ tảo hôn, tư vấn tiền hôn nhân, chỉ số giới tính khi sinh…; chỉ có duy nhất chỉ tiêu điều chỉnh tăng mức sinh thêm 0,2‰ là không đạt so với kế hoạch năm 2023; không những vậy, chỉ tiêu này còn giảm đi 0,11‰. Do đó, đây sẽ là vấn đề cho năm 2024 mà tỉnh cần nỗ lực.

Về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016-2025.  Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục đưa các nội dung kiểm soát MCBGTKS vào chương trình giáo dục cho học sinh các trường phổ thông (THCS, THPT); chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị, hành chính; vào quy ước của tổ dân phố. Thực hiện phổ biến, giáo dục và nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tỉnh sẽ tổ chức mít tỉnh phát động Chiến dịch truyền thông giảm thiểu MCBGTKS nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10).

Nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng, tỉnh tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương và HĐND tỉnh. Trong đó tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; khen thưởng, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35; bảo đảm cấp đủ phương tiện tránh thai (PTTT) cho các đối tượng miễn phí đồng thời hướng dẫn cộng tác viên dân số rà soát, bổ sung danh sách và tổ chức cấp phát PTTT cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng PTTT trên địa bàn quản lý.

Đặc biệt chú ý bổ sung danh sách người tạm trú là công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Thực hiện đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế, dân số, CTV dân số, người cung cấp dịch vụ. Lồng ghép vào chương trình đào tạo cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị. Tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con. Vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và cần sinh đủ hai con.

Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), tỉnh thực hiện bổ sung trang thiết bị, dụng cụ y tế và nâng cấp cơ sở vật chất kho bảo quản PTTT, mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ, ưu tiên địa bàn khó khăn. Mở rộng hệ thông tin quản lý hậu cần PTTT và cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý hậu cần, theo dõi quản lý đối tượng. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy, linh hoạt trong cung cấp dịch vụ lâm sáng tại các cơ sở y tế và phí lâm sàng qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Huy động tối đa việc cấp phát PTTT phi lâm sàng tại nhà cho đối tượng có nhu cầu, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ tránh thai trên địa bàn.

Thực hiện tầm soát sơ sinh vì sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.
Thực hiện tầm soát sơ sinh vì sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên; chiến dịch, khám lưu động tại cộng đồng, chú trọng gói khám phụ khoa, dự phòng vô sinh; đối tượng khó tiếp cận; địa bàn trọng điểm, khu công nghiệp; các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ thân thiện cho vị trẻ thành niên, thanh niên phù hợp trong tình hình mới. Triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ: Hỗ trợ sinh sản; can thiệp, điều trị sớm một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh tại cộng đồng; dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ; can thiệp giảm phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên.

Một nội dung quan trọng trong công tác dân số được tỉnh quan tâm là mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Do đó trong năm 2024, Tiền Giang tiếp tục vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh. Đầu tư nâng cấp cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và triển khai một số can thiệp, mô hình cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được tỉnh đẩy mạnh nhằm thích ứng với già hóa dân số. Trong đó, vận động chăm sóc sức khỏe NCT, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho NCT; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT. Bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực để các trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh cho NCT; khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện và sẽ duy trì hoạt động Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT tại cấp xã. Tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe NCT ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số, cộng tác viên dân số và tỉnh nguyện viên ở cơ sở. Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào chương trình giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh để tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chức sắc tôn giáo, lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ấp, khu phố...

THỦY HÀ

.
.
.