Thứ Bảy, 22/06/2024, 11:58 (GMT+7)
.

Trả lại tôn nghiêm cho ngành y và công lý

Những ngày qua, vụ việc các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và nhiều bác sĩ của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa bị bắt đã gây rúng động dư luận. Đơn vị này thuộc Bộ Y tế, có một trong những chức năng là giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp. Vụ việc trên khiến tôi nhớ lại một vụ án xảy ra vào năm 2018, tại Bình Phước.

Một ca giám định pháp y tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.
Một ca giám định pháp y tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Khi đó, nhóm phóng viên tiếp nhận thông tin một bé gái bị người quen hiếp dâm nhiều lần và mang thai. Chúng tôi vào cuộc với sự đồng hành của các luật sư thuộc Hội Luật sư TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan thường trực phía Nam). Sau đó vài tháng, nạn nhân sinh con và làm mẹ ở tuổi 13. Kết quả giám định ADN cho thấy 99,9% cháu bé là con ruột của đối tượng bị tố cáo. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tháng 12-2019, vụ án bị tạm đình chỉ điều tra căn cứ trên kết quả giám định của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa rằng “bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật”. Nỗ lực tìm kiếm công bằng cho cô bé ngày ấy bị gián đoạn.

Năm 2021, dư luận bàng hoàng khi Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 do một “bệnh nhân tâm thần” cầm đầu, với sự “bảo kê” của một số cán bộ, bác sĩ. Kẻ cầm đầu đã cải tạo phòng bệnh thành phòng để bay lắc và sử dụng ma túy, tổ chức mua bán trái phép ma túy trong khuôn viên bệnh viện. Năm 2018, Công an TP Hà Nội cũng khởi tố một bác sĩ tại đây vì làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm giúp một đối tượng trốn trách nhiệm hình sự (với giá 85 triệu đồng). Có thời điểm, dư luận chua chát cho rằng giấy giám định tâm thần như “kim bài miễn tử” của tội phạm và giúp làm gián đoạn quá trình điều tra (bị can phải khám chữa bệnh bắt buộc). Tiếp tay cho kẻ ác, một số bác sĩ đã chọn đi ngược lại y nghiệp và y đức, khiến nạn nhân mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Bộ Y tế từng nhận định có một số đối tượng lợi dụng có bệnh án tâm thần để gây án hoặc trốn tội, gây bức xúc trong xã hội và khó khăn với cơ quan tố tụng. Do đó, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu giám định pháp y tâm thần thiếu trung thực. Thế nhưng, hiện nay, vụ việc tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa được cho là có liên quan đến lãnh đạo và nguyên lãnh đạo, trưởng phó các khoa, phòng chuyên môn, dẫn đến “tình hình rất cấp bách, không còn cán bộ làm việc”. Bộ Y tế đã phải tổ chức họp bàn, tháo gỡ khó khăn cho viện này, ban hành các văn bản để rà soát, chấn chỉnh hoạt động tại một số đơn vị giám định pháp y tâm thần. Trên cơ sở kết quả rà soát, sẽ tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với đơn vị có biểu hiện vi phạm.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án liên quan đến các sai phạm trong hoạt động giám định, khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa. Làm rõ góc khuất quanh câu chuyện giám định tâm thần đồng nghĩa với việc sẽ trả lại minh bạch cho nghề y, trả công lý cho những nạn nhân từng uất ức vì sự xuất hiện bất ngờ của một tờ “giám định tâm thần”. Và hơn hết, đó còn là sự tôn nghiêm của pháp luật.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.