.

Bộ trưởng Y tế nói gì trước kiến nghị thông tuyến BHYT với bệnh viện trung ương?

Cập nhật: 17:28, 14/07/2024 (GMT+7)

Trước kiến nghị của cử tri về thông tuyến khám, chữa bệnh từ huyện đến trung ương và bổ sung thuốc danh mục bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã trả lời cụ thể.

Gửi kiến nghị trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri TP Cần Thơ cho rằng để thu hút người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều hơn, Bộ Y tế phối hợp cơ quan chức năng quan tâm sớm khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị và thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT; sớm bổ sung danh mục thuốc đầy đủ...

Mở rộng danh mục thuốc bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.

"Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa cả trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền, đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.  

Cũng theo người đứng đầu Bộ Y tế, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ BHYT, theo định kỳ, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục.

"Đặc biệt chú trọng mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cần nghiên cứu thông tuyến BHYT đối với tuyến trung ương, tránh quá tải

Cử tri TP Cần Thơ cũng kiến nghị nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng đảm bảo thông tuyến từ huyện đến Trung ương.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế cho biết việc phân 4 tuyến khám, chữa bệnh: tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương như hiện nay "để phục vụ cho khám và chữa bệnh phù hợp với tình trạng của người bệnh ở từng tuyến".

Thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn, khám bệnh cho người dân. Ảnh: Phan Chí Hiếu
Thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn, khám bệnh cho người dân. Ảnh: Phan Chí Hiếu

Theo đó, tuyến cao hơn sẽ khám và điều trị tình trạng bệnh nặng, chuyên sâu hơn. Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp.

Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định...) và điều kiện thực tế (ví dụ cơ sở tuyến trên quá tải...), cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc.

Luật Bảo hiểm y tế quy định từ năm 2016, người tham gia BHYT được thông tuyến huyện, nghĩa là người dân được khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở nào ở tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc và được quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến.

Từ năm 2021, người tham gia BHYT được thông tuyến tỉnh toàn quốc, nghĩa là được khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc; được hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú trái tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương.

"Việc mở rộng thông tuyến BHYT đối với tuyến trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải cho tuyến trung ương, tăng cường khám chữa bệnh BHYT  ở tuyến cơ sở và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.

(Theo vietnamnet.vn)

.
.
.