Thứ Hai, 08/07/2024, 20:16 (GMT+7)
.

Cải thiện tốt hơn tình trạng dinh dưỡng

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự nỗ lực của ngành Y tế, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh nên hầu hết các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng (CLQGDD) giai đoạn 2022 - 2023 của Tiền Giang đã đạt được chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, tình trạng dinh dưỡng, kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân đã cải thiện đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm một cách bền vững, trong đó tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 9,8% năm 2020 xuống còn 9,0% năm 2023 và tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm từ 21,4% năm 2020 xuống còn 18,9% năm 2023.

Mặc dù đạt được các kết quả đáng ghi nhận, nhưng Tiền Giang vẫn phải đối mặt với nhiều gánh nặng như tỷ lệ SDD thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao, tỷ lệ thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng là những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân và thực hành đúng về dinh dưỡng còn hạn chế, môi trường sống bị ô nhiễm, khẩu phần ăn chưa hợp lý, lao động nặng nhọc, đời sống khó khăn, thu nhập chưa cao nên các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng, nhất là đối với bà mẹ và trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn.

Trạm Y tế phối hợp với Trường Mầm non xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tổ chức cân đo cho trẻ để theo dõi tình trạng dinh dưỡng.
Trạm Y tế phối hợp với Trường Mầm non xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông tổ chức cân đo cho trẻ để theo dõi tình trạng dinh dưỡng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện CLQGDD giai đoạn 2020 - 2023 và những vấn đề dinh dưỡng mới phát sinh cần được tập trung chỉ đạo thực hiện, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện CLQGDD giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện tốt hơn tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tầm vóc, thể lực, trí tuệ của người dân tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

Kế hoạch đề ra mục tiêu chung, bao gồm cải thiện bữa ăn của người dân, đảm bảo đủ về số lượng, cân đối về chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao sự hiểu biết của người dân về thực hành dinh dưỡng, về lợi ích của các vi chất dinh dưỡng như i-ốt, vitamin A, sắt, kẽm,... góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phòng, chống bệnh tật. Giảm tỷ lệ SDD trẻ em, chú ý tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người Việt Nam. Giảm tỷ lệ SDD trẻ em, kiểm soát tình trạng thừa cân - béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Để thực hiện CLQGDD giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dinh dưỡng, đưa chỉ tiêu giảm SDD thấp còi, gầy còm, thừa cân béo phì của trẻ dưới 5 tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nhất là can thiệp dinh dưỡng tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng chính sách, cơ chế tài chính bao gồm cả việc chỉ trả của bảo hiểm y tế cho các hoạt động dinh dưỡng trong cơ sở y tế và trường học…

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo CLQGDD giai đoạn mới, lồng ghép trong nội dung nhiệm vụ và hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và xã hội hóa công tác dinh dưỡng. Các sở, ngành, đoàn thể xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động, đưa mục tiêu cải thiện dinh dưỡng có liên quan vào nhiệm vụ kế hoạch hằng năm. Huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia triển khai chiến lược.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng, trong đó có việc cải thiện chất lượng bữa ăn, đảm bảo an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng; thực hiện hoạt động dinh dưỡng tại trường học, tại bệnh viện; tăng cường triển khai hoạt động dinh dưỡng khẩn cấp. Bố trí nguồn ngân sách địa phương, nguồn bảo hiểm y tế, nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo kinh phí triển khai các hoạt động dinh dưỡng theo kế hoạch…

P. NGHI

.
.
.