Thứ Ba, 02/07/2024, 10:56 (GMT+7)
.

Lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi"

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người được tổ chức hôm 19-5, đến nay đã có nhiều địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như đăng ký hiến mô, tạng. Để thay đổi nhận thức và hành vi thì cần có thời gian, song, sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể đang giúp lan tỏa thông điệp đầy tính nhân văn "cho đi là còn mãi".
 

Người dân xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc.
Người dân xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc.

1. Hải Hậu một ngày giữa hạ, đầy nắng. Cổng vào Ủy ban nhân dân xã Hải Phúc được trang hoàng rộn rã cho chương trình truyền thông và phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc do Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) phối hợp Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức.

Huyện Hải Hậu là địa phương đầu tiên trong cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng-Cho đi là còn mãi" hôm 19-5. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo huyện Hải Hậu khẳng định chương trình chắc chắn sẽ thành công vì có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các cộng tác viên tình nguyện, nhất là sự ủng hộ của các vị linh mục và chức sắc tôn giáo. Tại địa phương, phong trào hiến tặng giác mạc đã bén rễ khi từ năm 2014 đến nay cả huyện đã có hơn 280 người hiến tặng giác mạc.

Chính vì vậy, ngay tại chương trình đã có hàng trăm người đăng ký hiến giác mạc, mô, tạng và hàng nghìn người được tiếp cận với hình thức đăng ký online. Anh Phạm Văn Chỉnh, người con của huyện Hải Hậu đang làm việc tại Hà Nội, cuối tuần về thăm quê, chứng kiến lễ phát động đã ngay lập tức đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc. Anh Chỉnh cho biết, đây là nghĩa cử cao đẹp, cho nên nếu không may gặp vấn đề gì về sức khỏe thì anh mong muốn có thể giúp những người bệnh khác tiếp nối sự sống...

Anh Hoàng Quốc Tuấn (Hải Phúc, Hải Hậu) cũng chia sẻ sau khi đăng ký hiến mô, tạng: "Qua chương trình rất nhân văn này, tôi mong được mọi người chung tay hiến dâng giác mạc cũng như mô, tạng để cứu sống được nhiều người, để cuộc đời chúng ta ngày một tốt đẹp hơn".

Hơn sáu năm trước, câu chuyện bé Hải An (7 tuổi) trước khi qua đời đã hiến giác mạc để hai người mù tìm lại được ánh sáng đã giúp lan tỏa giá trị của việc hiến mô, tạng. Trong buổi truyền thông về ý nghĩa của việc làm cao đẹp đó, chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ Hải An) nói: "Trước khi mất, tâm nguyện của con là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những người đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước đó, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời, bản thân tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi, từ nỗi đau đi đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình và cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi".

Giờ đây chị Thùy Dương đã trở thành một cán bộ của Ngân hàng mô và Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 say mê công việc truyền thông, vận động mọi người cùng hành động cao đẹp: Đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người với thông điệp "cho đi là còn mãi".

2. Buổi ký kết phối hợp giữa Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng-Cho đi là còn mãi" và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc đã thu hút khá đông chức sắc, tăng ni, phật tử tham gia, trong đó có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng.

Chương trình phối hợp sẽ tập trung tuyên truyền tới chức sắc, tăng ni, cộng đồng phật tử và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người; đẩy mạnh thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng tại các cơ sở trực thuộc...

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiến mô, tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Mỗi tạng, mỗi bộ phận cơ thể được hiến tặng sẽ mang lại nguồn sống quý giá cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng đầy ý nghĩa và cao cả này. Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia và lòng vị tha của mỗi chúng ta. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô, tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ là nhịp cầu yêu thương để lan tỏa thông điệp nhân ái, khuyến khích phật tử và người dân tham gia hiến tặng mô, tạng. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống văn hóa, đạo đức và tinh thần từ bi của Phật giáo với khoa học y học hiện đại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

"Hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu… Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, có thể trở thành những người cứu sống mạng người"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

3. Ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân không còn lựa chọn nào khác. Ở Việt Nam, với sự phát triển của y học hiện đại, việc ghép mô, tạng đã trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh lý hiểm nghèo.

Trải qua 32 năm, kể từ ca ghép thận đầu tiên (tháng 6/1992), đến nay chúng ta đã thực hiện gần 9.000 ca ghép tạng trên cả nước với sự tham gia của 26 bệnh viện, trung tâm. Hai năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công trên 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên từng đó vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu ghép tạng của người dân, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép. Mặt khác, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, để tăng nguồn tạng từ người cho chết não, cần ba giải pháp đồng bộ: Ở cộng đồng; tại các bệnh viện; thể chế từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Đối với cộng đồng, cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng với sự phối hợp liên ngành các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tôn giáo, cơ quan truyền thông báo chí, nhất là Hội Chữ thập đỏ các cấp đã và đang tích cực trong hoạt động hiến máu nhân đạo. Đối với hệ thống các bệnh viện đang thực hiện lấy và ghép tạng, trước mắt cần thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần sớm sửa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có cơ chế tài chính chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Chính phủ nên quy định nguồn tạng từ người hiến tặng là tài sản quốc gia như một số nước đã quy định. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xây dựng và trình Chính phủ đề án "tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô, tạng của Việt Nam" để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.

Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới (mới đạt khoảng 0,1 người/triệu dân), trong khi ở nhiều nước tỷ lệ rất cao, như Tây Ban Nha là 50 người/triệu dân. Nhiều nước có luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lý do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký.

Khi có nhiều người hiến tạng sau khi qua đời, tăng thêm nguồn tạng cứu người thì đồng thời cũng góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép. Ghép tạng từ người cho chết não hiến tặng cũng đem lại hiệu quả về mặt tài chính, như trường hợp suy thận, chi phí cho một ca ghép thận để người bệnh kéo dài tuổi thọ với chất lượng sống tốt hơn chỉ bằng một phần tư chi phí để lọc máu và điều trị cho các nguyên nhân suy thận.

Theo thống kê của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, sau hơn một tháng được Thủ tướng Chính phủ phát động, cả nước có thêm khoảng 10 nghìn người đăng ký hiến mô, tạng, nâng tổng số người đăng ký hiến mô, tạng lên gần 100 nghìn người.

(Theo nhandan.vn)


 

.
.
.