Tiêu tốn 108.000 tỷ đồng/năm để điều trị các bệnh liên quan thuốc lá
Ước tính mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, số người tử vong sẽ tăng hơn 70.000 người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện.
Ngày 5-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này. Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) là vấn đề đang rất nóng, được dư luận rất quan tâm và cần khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời. Điều này sẽ tránh cho thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
Thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, số người tử vong sẽ tăng hơn 70.000 người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện. Hơn nữa, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.
Thuốc lá điện tử ngày càng nguy hiểm. |
Đáng lo ngại, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng ở giới trẻ, khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-15 tuổi đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này cũng tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.
Qua báo cáo của gần 700 bệnh viện cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện (dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp) do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 loại ma túy, cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá mới trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, làm cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.
(Theo sggp.org.vn)