Ngày 22/8, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024” với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh” và phát động chiến dịch tiêm vaccine sởi.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các bậc cha mẹ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng; coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.
Người đứng đầu ngành y tế cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch; ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. |
Để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng của địa phương, trong đó ưu tiên kinh phí cho triển khai Tiêm chủng mở rộng, kinh phí cho công tác phòng chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu...
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, bệnh do phế cầu, phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV; xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân.
Nhân dịp này, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.
Về chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi năm 2024, Bộ Y tế cho biết sẽ được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Để triển khai thành công chiến dịch này, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tại địa phương; bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vaccine Sởi-Rubela cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế trong giải quyết nguồn cung vaccine, qua đó có thể ứng phó với các đợt bùng phát bệnh sởi ở một số địa phương hiện nay cũng như nguy cơ bùng phát ở những địa phương khác, từ đó ngăn chặn lây truyền trên diện rộng.
Riêng tại các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm đang tăng nhanh, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị công bố dịch để giúp kích hoạt và khai thác các nguồn lực hỗ trợ ứng phó trong nước và quốc tế. Để hỗ trợ nỗ lực này, WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi-rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất.
Chung quanh việc mới đây Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc công bố dịch cần tuân thủ theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện công bố dịch sởi, nhưng cần xem xét thêm về khả năng đáp ứng của địa phương thì mới nên quyết định có công bố dịch hay không.
"Từ góc độ cá nhân, tôi nhận thấy ngay từ đầu TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này. Do vậy, số ca mắc sởi tại trên địa bàn so với cùng kỳ của 3 năm trước đã vượt, nhưng thành phố cũng đã có những sự chuẩn bị rất sẵn sàng, nên việc công bố dịch hay không sẽ do địa phương đánh giá, xem xét rằng có cần thêm nguồn lực hay không…" - TS Hoàng Minh Đức cho biết.
TS Hoàng Minh Đức cho biết thêm, theo quy định, khi công bố dịch, vaccine và tất cả nguồn lực cần thiết các địa phương sẽ sử dụng tại chỗ theo phương châm "bốn tại chỗ".
(Theo nhandan.vn)