Thứ Hai, 05/08/2024, 10:47 (GMT+7)
.

Đừng bỏ qua "giờ vàng" khi bị đột quỵ

Những năm gần đây, bệnh đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều. Đột quỵ đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống bình thường của nhiều người. Tuy nhiên, cũng có không ít bệnh nhân phục hồi ngoạn mục sau đột quỵ vì đã không bỏ qua “giờ vàng”, tức là bệnh nhân đến bệnh viện và được điều trị can thiệp trước 4 giờ sau đột quỵ.

ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?

Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội Thần kinh học khu vực Tiền Giang cho biết: “Đột quỵ là biểu hiện của tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị nghẽn tắc gây thiếu máu cục bộ ở não hoặc gây xuất huyết não do mạch máu nuôi não bị vỡ. Khi đó phần bị thiếu máu của não không thể hoạt động và bộ phận của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động”.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, kiểm soát tốt huyết áp góp phần phòng ngừa đột quỵ.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, kiểm soát tốt huyết áp góp phần phòng ngừa đột quỵ.

Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ tư trên thế giới. Nó cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật nghiêm trọng và lâu dài. Những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn và càng lớn tuổi thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nam giới, những người bị tiểu đường hay bệnh tim có nguy cơ bị đột quỵ nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, không ít bệnh nhân nhập viện ở tuổi dưới 40, đây là điều hết sức đáng ngại.

Theo BSCK2 Nguyễn Văn Thành, kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia y khoa hàng đầu Việt Nam cho thấy, gần 60% nguyên nhân gây đột quỵ là do tăng huyết áp. Đột quỵ có 2 dạng cơ bản là nhồi máu não chiếm khoảng 80% và chảy máu não chiếm khoảng 20% các trường hợp. Đột quỵ xảy ra với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ có thể tự hồi phục và không để lại di chứng đến rất nặng đe dọa tính mạng hoặc gây tử vong ngay. Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng liệt nửa người rất nặng nề.

THỦ PHẠM HÀNG ĐẦU GÂY ĐỘT QUỴ

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.

BSCK2 Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội Thần kinh học khu vực Tiền Giang cho rằng: Điều trị đột quỵ phải mất nhiều thời gian, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và rất tốn kém tiền bạc nhưng hiệu quả phục hồi không cao. Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ phải quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp tại phòng khám tim mạch, phòng khám nội ở các bệnh viện…

Nếu quản lý và điều trị dự phòng tăng huyết áp tốt thì đột quỵ sẽ giảm. Song song đó, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng gây đột quỵ cao như đái tháo đường và xơ vữa động mạch cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Điều quan trọng trong bảo vệ sức khỏe nữa là thực hiện lối sống tích cực và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đó chính là có thói quen ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, cá, hải sản và hạn chế ăn thịt đỏ, chất béo từ động vật…; duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân; thường xuyên vận động thể lực phù hợp như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…

BSCK2 Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu. Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ”.

Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra. Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, bệnh nhân có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ. Như thế sẽ là lý tưởng vì tránh được tổn thương cho các tế bào não.

Để phát hiện bệnh mạch máu não trước khi đột quỵ xảy ra, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu não để khám nếu có hoặc nghi ngờ có triệu chứng về thần kinh; chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não là bắt buộc vì sự chần chừ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân. Theo BSCK2 Nguyễn Văn Thành, ngoài tăng huyết áp thì biến chứng của các bệnh lý mãn tính khác cũng khiến bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt phải kể đến là bệnh đái tháo đường và sơ vữa động mạch.

ĐỘT QUỴ GÂY HẬU QUẢ NẶNG NỀ

Bệnh đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống. Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong do đột quỵ. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của bệnh đột quỵ đã tăng 26%. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

BSCK2 Nguyễn Văn Thành khám và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.
BSCK2 Nguyễn Văn Thành khám và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.

Tại Tiền Giang, bệnh nhân đột quỵ cũng ngày càng tăng cao. Thông tin từ BSCK2 Nguyễn Văn Thành, giai đoạn khoảng 10 năm trước, trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tiếp nhận điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó trên 20% trường hợp bệnh nhân tử vong, trên 50% bệnh nhân còn lại mắc các di chứng nặng nề như liệt nửa người, sống đời sống thực vật… Số bệnh nhân đột quỵ liên tục tăng trong những năm gần đây, với hơn 3.000 ca nhập viện mỗi năm.

Những hậu quả do đột quỵ não để lại vô cùng nặng nề. Tai biến này thường để lại di chứng như liệt nửa người, nói ngọng, bại não, hôn mê, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong… làm ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người. Mặc dù ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về chi phí điều trị, song cứ 1 bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình nghĩa là mất đi 1 lao động. Nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình sẽ phải mất thêm 1 người chăm sóc. Như vậy, bệnh đột quỵ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“GIỜ VÀNG” TRONG ĐIỀU TRỊ

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng đáng kể, với tính chất bệnh lý đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh, chính xác và bác sĩ có quyết định đúng, kịp thời... mới có thể cứu sống được bệnh nhân và giúp họ hồi phục sức khỏe, giảm tỷ lệ tàn phế. Điều quan trọng là bệnh lý này cần phải cấp cứu rất sớm sau khi có dấu hiệu bị đột quỵ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người nặng, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kiến thức này còn rất ít người biết đến.

Mặc dù, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm, nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Theo BSCK2 Nguyễn Văn Thành, thời điểm “giờ vàng” là khoảng thời gian trước 4 giờ sau đột quỵ; nếu được chẩn đoán và điều trị trong thời gian trước 1 giờ sau đột quỵ thì càng tuyệt vời, đây có thể nói là “giờ kim cương” vì khả năng hồi phục rất tốt. Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu thì sự phục hồi rất khả quan. Tuy nhiên, chỉ có vài phần trăm bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng thời điểm 3 “giờ vàng”.

Bệnh nhân đột quỵ não thường bỏ qua mất “giờ vàng” này có nhiều nguyên nhân. Trong đó phải nói đến kiến thức “giờ vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Thứ nhất, đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu. Thứ hai, đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4… Cứ như vậy, bệnh nhân mất đi cơ hội của 3 - 6 giờ đầu tiên, mà trong đột quỵ não thì bệnh nhân càng được cấp cứu sớm thì khả năng phục hồi càng tốt.

Người bị đột quỵ có thể có một số hay tất cả các dấu hiệu như bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu; đột ngột có vấn đề về thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt, trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể; đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân… Nếu có bất kỳ triệu chứng nào đã nêu thì hãy gọi cấp cứu y tế gần nhất ngay lập tức. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay.

Đột quỵ là hết sức nguy hiểm nhưng nếu biết phòng và điều trị đúng cách, hậu quả xấu có thể giảm đi nhiều. Để phòng, chống, xử trí bệnh đột quỵ hiệu quả, người bệnh phải được đưa đến bệnh viện sớm với phác đồ điều trị chuẩn. Đối với bệnh nhân đột quỵ, các phương pháp can thiệp mạch máu não bằng ống thông hoặc phẫu thuật sọ não có thể phải được thực hiện khẩn cấp song song với hồi sức tích cực đột quỵ não. Sau đột quỵ, bệnh nhân cần được tích cực phục hồi chức năng và dùng thuốc dự phòng đột quỵ tái phát theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

THỦY HÀ

.
.
.