.

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 08:54, 05/08/2024 (GMT+7)

Vùng Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi. Đây là tác nhân chính lây truyền bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh Long An, Bến Tre và Tiền Giang.

Phun hóa chất diệt muỗi tại ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long, huyện Châu Thành (Bến Tre). (Ảnh HOÀNG TRUNG)
Phun hóa chất diệt muỗi tại ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long, huyện Châu Thành (Bến Tre). (Ảnh HOÀNG TRUNG)

Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, ngành y tế cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng chống, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lây lan.

Theo ghi nhận của ngành y tế ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng trăm ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các khu dân cư làm nhiều người phải nhập viện.

Mấy ngày qua, bà Trần Thị Thu Trang, ngụ xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) liên tục kiểm tra, dọn dẹp lại cho ngăn nắp các vật dụng trong nhà; lu chứa nước sử dụng hằng ngày đều được đậy kín để không phát sinh bọ gậy.

Ngoài kiểm tra các vật dụng, gia đình thường xuyên sắp xếp đồ đạc cho thông thoáng, đốt nhang muỗi ở những nơi ẩm thấp và phun thuốc muỗi vào buổi sáng, chiều. Khi ngủ, luôn mắc màn để tránh muỗi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, từ đầu tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 665 trường hợp mắc SXH, 193 ổ dịch SXH tại 11 huyện, thị xã, thành phố, không có ca tử vong. Tình hình dịch SXH 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm, số ca mắc mới có thể tăng vì đang là mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.

Tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), sức khỏe của cháu Nguyễn Ngọc Thảo Nhi, đã dần ổn định sau thời gian điều trị bệnh SXH.

Chị Đỗ Thanh Hằng, mẹ bé Nhi cho biết, bé sốt hai ngày liên tục và kèm theo tiêu chảy, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, phát hiện dương tính với SXH.

Sau sáu ngày điều trị, sức khỏe bé ổn nên sẽ được xuất viện. Ngay sau khi có thông tin ca bệnh tại ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; trạm y tế xã Tiên Long cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp xử lý ổ dịch.

Phó trưởng Trạm y tế xã Tiên Long Hồ Văn Phước cho biết: Lực lượng y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường chung quanh khu vực xuất hiện ổ dịch trong bán kính 200m.

Trạm y tế xã Tiên Long phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên thực hiện “Ngày thứ bảy không có loăng quăng” nhằm tuyên truyền, vận động người dân diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường để phòng SXH.

Bác sĩ Võ Ngọc Hạnh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện ghi nhận 12 ổ dịch SXH được xác minh, xử lý trong vòng 48 giờ theo đúng quy định, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Đến nay, đã ghi nhận 18 ca SXH, giảm ba ca so với cùng kỳ năm 2023. Công tác phòng chống SXH được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương, ý thức của người dân được nâng lên thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh, mạng xã hội...

Thời gian tới, dịch SXH có xu hướng tăng, ngành y tế thực hiện các giải pháp phòng chống như: tuyên truyền, vận động người dân diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường và nhất là khi có các triệu chứng nghi ngờ SXH phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà...

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre ghi nhận 143 ca mắc SXH gồm 83 ổ dịch tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn, giảm 51,2% số ca mắc so với cùng kỳ và không ghi nhận ca tử vong.

Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh Long An đã ghi nhận khoảng 650 trường hợp mắc SXH, trong số đó có 20 ca mắc bệnh nặng, giảm 79,8% so với cùng kỳ; chưa ghi nhận ca bệnh tử vong.

Tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đều ghi nhận số ổ dịch và ca mắc SXH thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, ngành y tế các địa phương khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là với loại bệnh này.

Giám đốc CDC tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Định cho biết: Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa, tình hình dịch bệnh SXH có chiều hướng gia tăng.

Ngành y tế đang tập trung theo dõi và chỉ đạo thực hiện phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị y tế có liên quan tăng cường công tác giám sát, không để bỏ sót ca bệnh, báo cáo đúng hạn, đầy đủ để có thể phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời, không để lan ra diện rộng.

Ngành y tế đã lập kế hoạch, theo dõi chặt chẽ và thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa SXH. Tổ chức tập huấn giám sát phòng chống SXH cho cán bộ y tế xã ở chín huyện, thành phố và ban hành công văn tăng cường giám sát lấy mẫu xét nghiệm.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh qua hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm cũng như báo cáo từ tuyến dưới, vẽ biểu đồ theo dõi xu hướng của bệnh SXH để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp,...

Quyền Giám đốc CDC tỉnh Tiền Giang Võ Thanh Nhơn lưu ý, các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn để xử lý kịp thời, tránh bùng phát; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường.

Người dân cần tiếp tục duy trì và thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi thấy triệu chứng sốt, phát ban.

Giám đốc CDC tỉnh Long An Huỳnh Hữu Dũng nhận định: Các tỉnh khu vực phía nam đang bước vào mùa mưa, xen kẽ với những ngày nắng nóng ẩm, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi. Đỉnh dịch SXH có khả năng xảy ra vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm.

CDC tỉnh Long An đang phối hợp với ngành y tế các địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng chống. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống SXH...

Sở Y tế các tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường và chiến dịch diệt loăng quăng.

Ngành y tế yêu cầu các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc và trang thiết bị để tiếp nhận và điều trị kịp thời bệnh nhân SXH. Kiện toàn đội ngũ phản ứng nhanh các cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác xử lý dịch.

Đồng thời, tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh SXH gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành phân lập vi-rút làm rõ type vi-rút chủ đạo để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Chủ động phối hợp với các ban, ngành, nhất là ngành giáo dục tuyên truyền trong trường học cho học sinh biết các biện pháp phòng chống SXH, thực hiện vệ sinh môi trường chung quanh khu vực nhà ở và khuôn viên trường học.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.