Đại hội lần thứ 2 của Hội Di truyền học Việt Nam thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các ban, ngành, các bệnh viện...
Trong khuôn khổ Đại hội đã diễn ra diễn đàn khoa học thiết thực, giúp các nhà khoa học, bác sĩ di truyền, sản khoa, nhi khoa, tim mạch, ung bướu trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới. Qua đây thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực di truyền y học góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều tham luận có ý nghĩa khoa học cao và những thông tin mới, giá trị về di truyền y học được trình bày như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ giải trình tự gene thế hệ trong chẩn đoán và cá thể hoá điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư phổi; Ứng dụng xét nghiệm đánh giá suy giảm chức năng tái tổ hợp tương đồng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng trong điều trị đích; Xu hướng sàng lọc sơ sinh bằng giải trình tự sơ sinh; Tư vấn di truyền trong xét nghiệm di truyền trước làm tổ; Hỗ trợ tâm lý trong tư vấn di truyền ung thư...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho biết, chuyên ngành di truyền y học đang ngày càng có nhiều đóng góp cho y học. Các hoạt động y sinh học-di truyền đang từng bước góp phần chẩn đoán bệnh, phòng bệnh và là cơ sở điều trị các bệnh lý di truyền.
Những năm gần đây, lĩnh vực di truyền học đã đạt được nhiều bước tiến mới với sự phát triển của các kỹ thuật di truyền, tạo ra nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực. Đặc biệt là trong y học, việc ứng dụng những thành tựu của di truyền học đã mang đến nhiều đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn. Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản.
Nhiều thông tin khoa học được chia sẻ tại đại hội. |
Một số tiến bộ về di truyền trong ung thư hiện nay là: gene trị liệu là oligonucleotide; Liệu pháp virus ly giải ung thư; Liệu pháp tế bào và mô; Vaccine phòng chống ung thư và các can thiệp di truyền trong ung thư, đặc biệt các phương pháp sử dụng CRISPR-Cas9.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Phấn, các can thiệp di truyền đã và đang từng bước hình thành. Đây sẽ là một hướng phát triển trong tương lai. Liệu pháp gene và liệu pháp phân tử nhắm mục tiêu cung cấp các kết quả lâm sàng và điều trị ung thư mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Hội Di truyền Y học Việt Nam quy tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các bác sĩ trên nhiều lĩnh vực của 3 miền. Trong Đại hội Hội Di truyền Y học Việt Nam lần thứ nhất, ban chấp hành có 39 đồng chí. Tại Đại hội lần thứ 2, đã bầu ra ban chấp hành mới với 39 ủy viên và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Phấn tái đắc cử được bầu làm chủ tịch Hội.
Nhiệm kỳ này, hướng phát triển của Hội Di truyền Y học Việt Nam là từng bước góp phần cá thể hóa điều trị, phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, góp phần điều trị và điều trị hiệu quả các bệnh di truyền để định hướng phát triển ngành. Đồng thời, phối hợp các đơn vị, cá nhân để tăng cường hoạt động di truyền y học; tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc hàng năm và tổ chức các chuyên đề; tăng cường đào tạo liên tục, phát triển hội viên và phản biện xã hội.
(Theo nhandan.vn)