Thứ Hai, 12/08/2024, 10:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động phòng bệnh tay chân miệng mùa tựu trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) có nguy cơ lây lan cao. Diễn biến của dịch TCM rất khó đoán trước, đặc biệt khi trẻ bắt đầu kết thúc kỳ nghỉ hè, quay lại trường học, sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan. Do đó, trường học và phụ huynh tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh TCM nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch trong mùa tựu trường.

TOÀN TỈNH CÓ HƠN 1.100 CA MẮC TCM

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 1.100 ca mắc TCM, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2023 và không ghi nhận ca tử vong do TCM.

Bệnh nhi mắc TCM vừa được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Bệnh nhi mắc TCM vừa được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Số ca mắc TCM trên 100.000 dân của Tiền Giang hiện là 62 ca. Tuy số ca mắc TCM có giảm so với cùng thời điểm này của năm trước nhưng số ca mắc trong tuần 31 năm nay bắt đầu tăng so với tuần trước đó.

Số ca mắc TCM tại các địa phương đều giảm, chỉ riêng TX. Cai Lậy có số ca mắc tăng. Hiện tại TP. Mỹ Tho là địa phương có số ca mắc TCM cao nhất tỉnh, với 305 ca; kế đến là huyện Châu Thành 219 ca; huyện Cái Bè 150 ca và huyện Chợ Gạo 138 ca. Với tổng số 8 ca ghi nhận từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phú Đông là địa phương có số ca mắc TCM thấp nhất tỉnh.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 44 ổ dịch TCM và tất cả đã được xử lý theo quy định. Như vậy từ đầu năm đến nay, số ca mắc giảm nhưng số ổ dịch TCM lại tăng 12,8% so với cộng dồn của cùng kỳ năm 2023.

Theo quy luật, TCM thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Điều đáng nói là các ca bệnh ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non và trường tiểu học.

CĂN BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGUY HIỂM

Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, bệnh TCM thuộc nhóm Enteroviruses, họ Picornavirus. Picornavirus là một họ vi rút lớn, gồm có 6 nhóm, trong đó nhóm Entero- , Rhino- , Parech- , Cardio- và Hepato- gây bệnh chủ yếu ở người. Aphthovirus gây bệnh lở mồm long móng ở động vật.

Chính cái tên Enteroviruses cũng đã phản ánh tầm quan trọng của đường tiêu hóa như là vị trí bị nhiễm đầu tiên khi vi rút xâm nhập và nhân lên, cũng là nguồn gốc lây truyền bệnh. Trong nhóm Enteroviruses chia thành 4 phân nhóm vi rút nhỏ hơn, gồm: Poliovirus (gây bệnh bại liệt), Echovirus, Coxsackievirus và Enterovirus. Hiện tại, Coxsackievirus và Enterovirus là 2 nhóm tác nhân gây bệnh TCM tại Việt Nam và các quốc gia khác.

Do vi rút không có bao nên các vi rút gây bệnh TCM đều ổn định trong môi trường của ký chủ như khi tiếp xúc với dịch vị ở dạ dày và vi rút có thể tồn tại nhiều ngày trong nhiệt độ phòng hay nhiệt độ tủ lạnh. Loại vi rút này không hoặc ít bị bất hoạt bởi các chất, như: Cồn, Chloroform, Phenol, Ether nhưng bị bất hoạt bởi 2% Sodium hyproclorite, Chlorine tự do (Chloramin B 2%).

Nguồn gây bệnh TCM là người đang mắc bệnh và người mang vi rút nhưng không biểu hiện triệu chứng. Thời kỳ lây truyền của vi rút là vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi rút có khả năng đào thải qua phân người đến 12 tuần sau khi nhiễm. Vi rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 đến 4 tuần.

Sau khi xâm nhập vào vùng hầu - họng, sinh sản lên ở đường hô hấp trên và ruột non, vi rút TCM xâm nhập vào máu, gây nhiễm vi rút máu, lan tỏa đến nhiều cơ quan khác và biểu hiện gây bệnh, bao gồm hệ thần kinh trung ương, da và niêm mạc tim, gan, tụy, tuyến thượng thận…

Tình trạng nhiễm vi rút máu liên tục cũng tăng do sự nhân đôi và lan tỏa của vi rút từ các vị trí thứ phát này. Có thể có 2 hay nhiều hơn tuýp vi rút gây bệnh TCM xâm nhập và vào đường tiêu hóa, nhưng thường chỉ có 1 tuýp vi rút phát triển mạnh (sự phát triển của tuýp vi rút này ức chế sự phát triển của tuýp vi rút kia).

Tại các nước nhiệt đới (trong đó có Việt Nam) và cận nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm và thường có 2 đỉnh dịch là vào tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Từ trẻ đến người lớn tuổi đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh TCM, nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hoặc bị triệu chứng nhẹ do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.

Có hai biến chứng thường gặp với bệnh TCM là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Cả 2 biến chứng đều rất nguy hiểm đối với trẻ.

CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ TRẺ TRƯỚC DỊCH BỆNH TCM

Theo nhận định của ngành Y tế, dịch bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tới 3 - 4 tháng tiếp theo. Thời gian học sinh quay lại trường học sẽ trùng với đỉnh dịch lần thứ 2 của dịch TCM trong năm (là tháng 9).

Quyền Giám đốc CDC Tiền Giang Võ Thanh Nhơn cho rằng, dù số ca bệnh trên toàn tỉnh giảm nhưng vẫn đang ở mức cao nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Đặc biệt, trẻ sắp tựu trường sẽ là điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

Để bảo vệ trẻ trước dịch TCM trong mùa tựu trường, phụ huynh cần đảm bảo thực hiện “nguyên tắc 3 sạch”. Theo đó, trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ) và chơi sạch (đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên). Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh TCM cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác.

Đồng thời, khi trẻ quay lại trường học cũng là lúc trẻ được tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch TCM cũng tăng cao. Do đó, giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học... nên được tập huấn, trang bị những kiến thức liên quan tới dịch bệnh, cách phòng bệnh và các dấu hiệu phát hiện bệnh sớm nhất để có thể ứng phó và kiểm soát dịch tốt nhất.

Ngoài ra, các trường học nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ. Ngay khi phát hiện trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh TCM như sốt, nổi hồng ban lòng bàn tay chân, loét miệng, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

THỦY HÀ

.
.
.