.

Xem xét bổ sung danh mục thuốc BHYT đối với bệnh suy thận, ung thư

Cập nhật: 17:05, 14/08/2024 (GMT+7)

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.

Bệnh nhân xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Bệnh nhân xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Trước kiến nghị của cử tri TPHCM về việc đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu xem xét bổ sung vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đối với một số loại bệnh như suy thận, ung thư, bệnh nan y… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với mục tiêu hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, Bộ Y tế luôn chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc BHYT tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng BHYT. Theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31-12-2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất, thuốc hóa dược và sinh phẩm được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu (trong đó có 76 hoạt chất, thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch; 10 hoạt chất, thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh đường tiết niệu và dung dịch lọc màng bụng, lọc máu.

Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17-3-2015 của Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT gồm 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11 nhóm tác dụng và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y học cổ truyền, không phân theo hạng bệnh viện sử dụng.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất, thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thẻ BHYT nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.