Thứ Bảy, 21/09/2024, 14:30 (GMT+7)
.

Đưa vaccine phòng sốt xuất huyết về Việt Nam

Vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản) được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp, có hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

a
Vaccine phòng sốt xuất huyết có tên Qdenga của Takeda (Nhật Bản)

Ngày 20-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã ra mắt và triển khai tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản) cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine SXH của Takeda (Nhật Bản) được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5-2024. Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng với nhà sản xuất sớm đưa về Việt Nam bởi đây là một trong những vaccine được mong đợi khi mỗi năm tại Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch lớn nhỏ khác nhau.

Vaccine này được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp. Vaccine có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus SXH gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH.

Vaccine SXH có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với nhiều vaccine khác tùy chủng loại. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vaccine tốt nhất trước 3 tháng và ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

a
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết

Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc SXH đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019. Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980-2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.