.

Người cao tuổi cần lưu ý kiểm soát tốt đường huyết

Cập nhật: 09:10, 24/09/2024 (GMT+7)

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất ở người cao tuổi (NCT). Căn bệnh này đang tăng nhanh trong cộng đồng và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là với NCT. Nếu không được điều trị tốt và kịp thời, thì bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị những biến chứng nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.

CĂN BỆNH ĐE DỌA SỨC KHỎE

Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Tiền Giang cho biết, ĐTĐ đang là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê của Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam, số người mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam đang ngày một gia tăng. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ hiện tại chiếm gần 5,7% dân số, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Điều đáng quan tâm là tại Việt Nam có tới 63,6% người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng không được phát hiện bệnh, trong đó cao nhất ở vùng Tây Nam bộ (72,1%) và thấp nhất là vùng duyên hải miền Trung (56,7%). Trong số những người đã được chẩn đoán và điều trị, chỉ có khoảng 1/3 đạt được mục tiêu điều trị...

 Người cao tuổi cần theo dõi đường huyết thường xuyên và kiểm soát tốt  đường huyết để bảo vệ sức khỏe.
Người cao tuổi cần theo dõi đường huyết thường xuyên và kiểm soát tốt đường huyết để bảo vệ sức khỏe.

Theo BSCK2 Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bệnh ĐTĐ có 2 tuýp chính. ĐTĐ tuýp 1 là bệnh tự miễn. Cơ thể không thể sản sinh ra lượng insulin nữa, do vậy glucose không thể ra khỏi máu; đồng thời, các tế bào không nạp được lượng glucose cần thiết để cung cấp cho cơ thể một cách thích hợp. ĐTĐ tuýp 2 là bệnh phổ biến hơn và thường phát triển theo thời gian, thường xảy ra âm thầm.

Khi bệnh có biểu hiện rõ thì bệnh đã có biến chứng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bên cạnh đó, ĐTĐ tuýp 2 còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng. Các biến chứng thường gặp là biến chứng về mắt và về thần kinh chiếm khoảng 39,5%; biến chứng về tim mạch khoảng 34% và khoảng 24% là biến chứng về thận. Bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ĐTĐ là khát nước nhiều, đi tiểu nhiều hơn bình thường, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có các vết nứt trên da hoặc vết thương lâu lành, thường xuyên có các nhiễm trùng (đường tiểu), sụt cân nhiều…

Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gồm nhóm người trên 45 tuổi, có tăng huyết áp, rối loạn lipid máu; người trong thời gian mang thai mắc bệnh ĐTĐ; người có tiền sử sinh con trên 4 kg hoặc có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị bệnh ĐTĐ. Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc ĐTĐ tuýp 2 cao hơn 4,42 lần so với những người dưới 45 tuổi. Những người có huyết áp tăng, có tiền sử rối loạn lipid máu, có vòng eo lớn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao hơn so với những người bình thường.

Kiến thức của người dân về bệnh ĐTĐ cũng rất hạn chế, có tới hơn 90% người dân có kiến thức rất thấp về yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ và có chưa tới 5% người dân có kiến thức tốt về cách phòng tránh cũng như điều trị căn bệnh này. ĐTĐ là bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt. Do đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò rất quan trọng trong điều trị và phòng, chống bệnh ĐTĐ.

Đối với bệnh ĐTĐ, ngoài việc phòng ngừa thì việc điều trị ĐTĐ ở NCT cần tuân thủ các nguyên tắc là tránh nguy cơ hạ đường huyết, hay tăng đường huyết, chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối, chăm sóc các biến chứng ĐTĐ, kiểm soát huyết áp, lipid máu đạt mục tiêu; đồng thời, tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng.

Cách tốt nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ là thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu. Bệnh ĐTĐ hiện tại dù không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh được bằng cách điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.

BỆNH NHÂN CẦN TUÂN THỦ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ

Hiện nay xuất hiện tình trạng người mắc ĐTĐ thường áp dụng chế độ kiêng khem quá mức cho thực đơn hằng ngày, dẫn đến tình trạng cơ thể bị suy nhược do thiếu dinh dưỡng. Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh ĐTĐ với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ cần đảm bảo các nguyên tắc: Đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với khối lượng hợp lý, không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn, hạn chế được các rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, thực đơn cần phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương, đơn giản, tiện lợi và không quá đắt tiền.

Trong thực đơn hằng ngày nên có nhiều loại thực phẩm để đủ thành phần các chất dinh dưỡng; chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày; nên ăn 3 bữa chính và 1 - 3 bữa phụ; không nên để quá đói cũng không nên ăn quá no để tránh tình trạng hạ đường huyết khi đói hoặc tăng đường huyết sau khi ăn. Đặc biệt là hạn chế thực phẩm gây tăng đường huyết như gạo chà trắng, bánh, kẹo, đường tinh luyện, nước ép trái cây…

Người mắc ĐTĐ nên sử dụng vừa đủ với nhu cầu cơ thể các thực phẩm ít làm tăng đường huyết như cá ít béo, thịt nạc, đậu hũ, rau, củ, quả ít ngọt, sữa ít béo không đường… Hạn chế ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn như: Mì gói, chả giò, chả lụa, mỡ động vật, da, nội tạng động vật…

Tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn, chiên, nướng vì kích thước thành phần món ăn càng nhỏ chỉ số làm tăng đường huyết sẽ càng tăng. Đặc biệt, cần uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày và nên hạn chế uống bia, rượu.

MAI HÀ

.
.
.