Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở giới trẻ
“Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt xu hướng mắc bệnh tim mạch hiện nay ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hằng ngày”. Đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
NGUYÊN NHÂN HÀNG ĐẦU GÂY TỬ VONG
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 trường hợp là do các bệnh không lây nhiễm; trong đó, cao nhất là nguyên nhân do bệnh tim mạch với tỷ lệ 33%, tương ứng khoảng 200.000 ca, tiếp đó là ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 6%, đái tháo đường 4% và các bệnh không lây nhiễm khác 18%.
Tiến sĩ Trần Hữu Thế và ê kíp thực hiện thủ thuật nông mạch vành cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. |
Tiến sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: Trước đây bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não thường chỉ gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên.
Hiện nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 - 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên đang chiếm tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 16 - 65 chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Căn bệnh này làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nhưng không gây đau đớn, người mắc bệnh vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường nên thường chủ quan. Đặc biệt là những người trẻ tuổi thường nghĩ rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
NGUYÊN NHÂN VÀ NHẬN BIẾT BỆNH
Các bệnh lý về tim mạch đang là mối hiểm họa cho sức khỏe của cộng đồng. Theo thông tin từ Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mạch máu thường do hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều muối và chất béo bão hòa, ít vận động, béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường.
Trong đó, béo phì là nguyên nhân dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa. Hiện nay, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có 1 trẻ béo phì.
Do đó, nếu không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này thì các bệnh tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra, nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ.
Ðối với đối tượng trẻ em và người trẻ tuổi, các yếu tố gây tình trạng ức chế quá mức hoặc kích thích quá mức như khả năng chịu đựng stress kém, áp lực học tập, sử dụng các chất gây nghiện, nhất là thuốc lá điện tử và các dạng ma túy tổng hợp hoặc tự nhiên; ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin không lành mạnh trên môi trường mạng Internet; lối sinh hoạt không lành mạnh như không chơi thể thao, tắm đêm, tắm ngay sau khi chơi thể thao... Thêm vào đó, do quá trình đô thị hóa và thay đổi lối sống của xã hội, nhất là giới trẻ cũng tác động không nhỏ khiến cho các yếu tố nguy cơ này càng trở nên trầm trọng hơn.
Cần thường xuyên theo dõi sức khỏe để phòng ngừa bệnh tim mạch. |
Ở Việt Nam, nhiều người chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, có trường hợp đi khám sức khỏe định kỳ nhưng lại khám kiểu hình thức, sơ sài, không khảo sát cấu trúc quan trọng trong cơ thể.
Ðể hạn chế các cơn đột quỵ và bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi đòi hỏi cần có sự thay đổi toàn diện, bao gồm giáo dục về các yếu tố nguy cơ, thúc đẩy lối sống lành mạnh, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người bệnh cần được can thiệp sớm.
Tiến sĩ Trần Hữu Thế lưu ý: Khi có các biểu hiện bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, đó là cơn đau có tính chất đè ép giữa xương ức, thường lan lên cằm và vai, tay trái, khó thở và có thể kèm vã mồ hôi hoặc ngất, mệt khi gắng sức, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
Đối với bệnh lý mạch máu não có thể gặp 3 dấu hiệu chỉ điểm của đột quỵ gồm yếu liệt nửa bên người hoặc các chi, nói ngọng hoặc nói những từ vô nghĩa, méo miệng… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Hai loại bệnh lý tim và mạch quan trọng cần được chẩn đoán và cấp cứu khẩn cấp vì nguy cơ tử vong cao, có thể gây tàn phế để lại nhiều gánh nặng cho xã hội là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đối với hai bệnh lý này, nếu được chẩn đoán và điều trị can thiệp sớm trong vài giờ đầu, bệnh có thể phục hồi hoàn toàn.
PHÒNG NGỪA
Ðể phòng bệnh tim mạch nói chung, mỗi người cần tự kiểm soát các nguy cơ bệnh lý thông qua việc thay đổi lối sống. Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Trần Hữu Thế, để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, mỗi người dân cần nhận diện nguy cơ bệnh tim mạch và tìm cách kiểm soát căn bệnh này.
Thứ nhất, thay đổi thói quen ăn uống, duy trì chế độ ăn uống hợp lý. Đó là khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế các chất béo bão hòa; không nên ăn mặn, nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày (tương đương với 1 muỗng cà phê muối). Ngoài ra, ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ, tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh, vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo… có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch.
Thứ hai, có lối sống lành mạnh, tránh các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch. Cụ thể là tăng cường vận động thể chất với việc tập thể dục thường xuyên mỗi ngày từ 30 - 60 phút sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện tuần hoàn, giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm cholesterol và huyết áp. Hạn chế uống rượu, bia, vì uống quá nhiều rượu, bia có thể làm tăng huyết áp và loại đồ uống này cũng bổ sung thêm calo, có thể gây tăng cân.
Không hút thuốc vì hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha làm tăng huyết áp và khiến bạn có nguy cơ cao bị đau tim và đột quỵ. Quản lý căng thẳng, bởi căng thẳng có liên quan đến bệnh tim theo nhiều cách như làm tăng huyết áp, căng thẳng quá độ có thể là “tác nhân” gây ra cơn đau thắt ngực. Ngoài ra, một số người chọn cách đối phó với căng thẳng nhưng gây hại cho sức khỏe, chẳng hạn như ăn quá nhiều, uống nhiều rượu và hút thuốc.
Kiểm soát cân nặng hợp lý, bởi thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, chủ yếu là do có liên quan đến các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác như mức cholesterol và triglyceride cao, huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Kiểm soát huyết áp, vì huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Hãy khám và kiểm tra sức khỏe cũng như các bệnh liên quan đến huyết áp ít nhất mỗi năm một lần đối với người bình thường và thường xuyên hơn đối với người bị tăng huyết áp; thay đổi lối sống để ngăn ngừa hoặc kiểm soát huyết áp cao.
Kiểm soát mức cholesterol và triglyceride, vì lượng cholesterol cao có thể làm tắc nghẽn động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Mức độ triglyceride cao cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, đặc biệt là ở phụ nữ. Quản lý bệnh tiểu đường, bởi người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, do đó cần đi xét nghiệm đường huyết và kiểm soát bệnh nếu có.
Cuối cùng là cần ngủ đủ giấc, vì nếu không ngủ đủ giấc sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường.
Tất cả ba vấn đề trên đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
MAI HÀ