Vaccine phòng sốt xuất huyết - bước tiến quan trọng hướng tới loại trừ sốt xuất huyết ở Việt Nam
Xây dựng và thực hiện một chiến lược toàn diện về phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, hướng tới một tương lai loại trừ bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.
Đây là mục tiêu của hội thảo "Vaccine - Vũ khí mới trong dự phòng sốt xuất huyết dengue tại Việt Nam", do Viện Pasteur TPHCM phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối 26-9.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, sốt xuất huyết đang ngày càng trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều khu vực với những biến động khó lường.
Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu. Do đó, cần bổ sung các biện pháp phòng tránh chủ động hơn. Trước đây, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt…
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự |
"Tôi rất vui mừng khi được biết Việt Nam đã phê duyệt vaccine phòng sốt xuất huyết cùng với 39 quốc gia khác ở vùng lưu hành cao và lưu hành thấp của bệnh trên thế giới. Chúng ta giờ đây đã có vaccine phòng chống sốt xuất huyết và tiến thêm một bước quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Chia sẻ về vaccine phòng sốt xuất huyết, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết: "Vaccine có hiệu quả bảo vệ khá cao, là biện pháp phòng bệnh chủ động, đặc hiệu cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng sốt xuất huyết an toàn, dùng được cho đối tượng là trẻ em.
Với vaccine sốt xuất huyết, tôi nghĩ rằng đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, người dân cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để nếu có cơ hội, điều kiện thì sử dụng vaccine, là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới".
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - trao đổi về vaccine phòng sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Dự |
Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian qua, cả nước có thời điểm mỗi năm xảy ra trên 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hơn 100 ca tử vong, gây ra những áp lực lớn trong phòng ngừa và điều trị.
Hiện nay tình hình sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng ở một số địa phương, vì vậy cần tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, phát hiện ca sớm để khoanh vùng diệt muỗi, diệt loăng quăng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Dự |
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định: "Đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết thì các biện pháp phòng chống thụ động chưa phát huy hết hiệu quả. Biện pháp phòng ngừa chủ động như tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết phát huy được hiệu quả bởi chính người tiêm vaccine có miễn dịch thì không mắc bệnh, không mắc bệnh thì không lây cho người khác, từ đó góp phần giảm số ca mắc sốt xuất huyết".
(Theo suckhoedoisong.vn)