Thứ Năm, 10/10/2024, 21:19 (GMT+7)
.

2 dấu hiệu sớm nhất để biết bệnh sốt xuất huyết

(ABO) Chẩn đoán sớm sốt xuất huyết rất quan trọng vì sẽ giúp các bé được điều trị kịp thời, giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng như sốc, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Để giúp người dân sớm nhận biết bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi xin được chia sẻ như sau.

Dấu dây thắt.
Dấu dây thắt.

Về chuyên môn, có 2 dấu hiệu để nhận biết sốt xuất huyết là triệu chứng bệnh và xét nghiệm nhanh.

Thứ nhất về triệu chứng bệnh, tất cả các trường hợp sốt xuất huyết điều khởi đầu bằng triệu chứng sốt cao, không có sốt thì không phải bệnh sốt xuất huyết.

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày, dù có uống thuốc hay lau mát thì sốt chỉ giảm vài ba giờ rồi lại sốt tiếp. Trong mùa mưa này, nếu người nhà bệnh nhân thấy sốt liên tục 48 giờ thì nên nghi ngờ bé mắc bệnh sốt xuất huyết và nên đi khám ngay.

Trong trường hợp sau khi sốt 2 ngày, người nhà bệnh nhân có thể nhận biết sốt xuất huyết bằng việc thực hiện “Nghiệm pháp dây thắt” là một kỹ thuật y tế đơn giản nhưng hữu ích trong việc đánh giá tình trạng thành mạch, đặc biệt là khi nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

Phương pháp này dựa trên nguyên tắc làm tăng áp lực trong lòng mạch, sau đó đột ngột giảm áp để quan sát sự xuất hiện của các chấm xuất huyết dưới da. Người nhà bệnh nhân lấy máy đo huyết áp bằng tay, không phải máy tự động, bơm căng bao đo huyết áp trên cánh tay, nhưng không siết chặt lắm sẽ làm tắt mạch, để làm tăng áp lực trong các mạch máu tại khu vực này.

Giữ 5 - 10 phút rồi xả hơi ra đột ngột. Quan sát cánh tay, nếu thành mạch bị tổn thương (thường do giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết), các mao mạch sẽ vỡ và xuất hiện các chấm xuất huyết nhỏ dưới da, gọi là dương tính.

Ngoài ra, bé còn có triệu chứng nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt là triệu chứng hay gặp trong sốt xuất huyết.

Thứ hai, về xét nghiệm. Xét nghiệm tìm kháng nguyên sốt xuất huyết NS1 là xét nghiệm có thể giá trị phát hiện trong máu từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt. Xét nghiệm kháng nguyên NS1 trong huyết thanh có độ nhạy 92,4% và có độ đặc hiệu là 98,4%.

Xét  nghiệm NS1 có thể phát hiện vi rút sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu tiên của bệnh, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng. Quy trình xét nghiệm đơn giản, kết quả nhanh chóng, nhưng cũng có trường hợp dương tính giả do nhiễm một số loại vi rút khác, do đó bác sĩ sẽ phải cho làm thêm một số xét nghiệm khác nữa.

Tóm lại, người nhà khi thấy bé sốt cao trong thời gian hiện tại dù bất cứ nguyên nhân gì cũng phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, mặc dù không phải ai mắc sốt xuất huyết cũng điều bị bệnh nặng, mà chỉ có khoảng 30% các trẻ nằm viện mới có khả năng biến chứng. Vì vậy, người dân hết sức bình tĩnh, bệnh sốt xuất huyết trong hai ngày đầu thường không có biến chứng, nên nếu nhà ở gần cơ sở y tế thì trẻ được bác sĩ cho về nhà chăm sóc, từ sau ngày thứ 2 trở đi có thể có nguy cơ biến chứng thì mới cho nhập viện theo dõi.

Đa số các trẻ được điều trị tại nhà và tái khám hằng ngày, thử máu hằng ngày, sau 7 đến 10 ngày thì trẻ sẽ khỏi bệnh. Những trẻ có các yếu tố nguy cơ như quá nhỏ dưới 12 tháng, béo phì, có bệnh lý khác kèm theo, nhà ở quá xa cơ sở y tế  thì mới cần nhập viện sớm.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.