Mang cơ hội chữa lành cho hàng trăm phụ nữ
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý ác tính của biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Đây là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. UTCTC xếp hàng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, trong điều kiện y học tiến bộ hiện nay, UTCTC có thể phòng tránh thông qua liệu pháp sàng lọc và dự phòng; đồng thời cũng có thể chữa lành nếu tầm soát
và phát hiện sớm.
CĂN BỆNH “RÌNH RẬP” PHỤ NỮ
Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, UTCTC tại cộng đồng đến năm 2030 của Bộ Y tế thông tin: Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới và đứng thứ hai sau ung thư vú.
TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc truyền thông lồng ghép và tầm soát ung thư cho phụ nữ trong năm nay. |
Hằng năm, có khoảng 520.000 phụ nữ mắc mới UTCTC trên toàn thế giới và hơn 274.000 người chết do UTCTC, trong đó 80% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, với xu hướng tăng lên theo thời gian. Nếu không có các can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị UTCTC thì trong khoảng 10 năm nữa, tỷ lệ mắc mới và chết do UTCTC sẽ tăng thêm 25%.
Thông tin từ Tổng cục Dân số Việt Nam, UTCTC đang có xu hướng tăng nhanh, ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 người chết vì UTCTC, tỷ lệ mắc là 10,6/100.000 phụ nữ. Vì vậy, UTCTC đem đến gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình người mắc bệnh.
Nguyên nhân của bệnh UTCTC thường do quá trình viêm nhiễm phụ khoa kéo dài với các loại vi rút nhóm papilloma, còn được gọi là HPV (Human Papilloma Virus). Hiện nay, có khoảng 150 tuýp vi rút HPV được phát hiện, trong đó có 30 tuýp lây truyền qua đường tình dục.
Trong số đó, nhóm vi rút có nguy cơ thấp gây UTCTC là các tuýp 6, 11 gây nên bệnh sùi mào gà, mụn cóc ở hậu môn; nhóm vi rút nguy cơ cao là các tuýp 14, 16, 18, 31, 33, 45 gây tổn thương dẫn đến UTCTC.
Loại vi rút HPV gây UTCTC tập trung nhiều nhất vào những năm đầu sau khi quan hệ tình dục lần đầu tiên. Thông thường vi rút này sẽ bị đánh bật ra khỏi cơ thể trong vòng từ 12 - 24 tháng. Tuy nhiên, một số phụ nữ không thể loại bỏ được vi rút HPV và đây là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh UTCTC sau này.
Vi rút HPV lây qua đường tình dục nhưng không giống như những bệnh lây truyền qua con đường này, đặc biệt bao cao su cũng không thể bảo vệ nam giới hoàn toàn, vì chỉ cần có sự tiếp xúc da với da ở khu vực này là đủ để nhiễm vi rút HPV. Loại vi rút này có thể lây từ nữ sang nam và ngược lại. Những người mang trong mình vi rút HPV đều có thể phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trong thời gian ngắn hay lâu dài.
Trong thời gian ngắn, vi rút HPV có thể gây ra những vết loét - yếu tố gây ra bệnh UTCTC sau này. Những vết thương này có thể được điều trị rất đơn giản bằng cách cắt một phần cổ tử cung. Tuy phương pháp này điều trị đơn giản nhưng nó có thể gây ra những biến chứng đối với phụ nữ là khi mang thai có thể bị sẩy thai hoặc sinh non. Sau khi cắt bỏ một phần cổ tử cung, vi rút HPV vẫn có thể quay trở lại và gây ra bệnh UTCTC sau nhiều năm.
UTCTC không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ nhiễm HPV đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 - 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn tiền UTCTC hầu như không có triệu chứng gì, do đó đa số chị em đều không biết mình mắc bệnh nếu không khám phụ khoa.
Những dấu hiệu sớm cho thấy cơ thể mắc bệnh UTCTC hầu như không có, đặc biệt là giai đoạn đầu (trước khi xuất hiện những khối u) đôi khi chỉ là những cơn đau xuất hiện khi quan hệ tình dục hoặc ngay cả lúc không quan hệ tình dục. Khi đã nhìn thấy các khối u thì cũng là lúc sức khỏe của người bệnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu khối u lớn thì sẽ chèn ép những vùng xung quanh và gây ra hiện tượng tiểu buốt hoặc đi tiểu khó khăn, táo bón…
TẠO THÓI QUEN TẦM SOÁT SỨC KHỎE CHO PHỤ NỮ
Lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc dự phòng và sàng lọc UTCTC, Sở Y tế đã ban hành Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2030”, trong đó, có mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng cho người dân; dự phòng, sàng lọc ung thư vú, UTCTC tại cộng đồng...
Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 11 ngày 13-1-2022 về thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Kế hoạch này đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 75% phụ nữ 30-54 tuổi có chồng được sàng lọc UTCTC mỗi năm một lần”.
TP. Gò Công là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc truyền thông lồng ghép và tầm soát ung thư cho phụ nữ trong năm nay. |
Để thực hiện đạt mục tiêu nói trên, những năm qua ngành Dân số đã tăng cường công tác truyền thông tư vấn về sự cần thiết của việc dự phòng và sàng lọc UTCTC cho người dân tại cộng đồng; tổ chức cung cấp dịch vụ thường xuyên tại các cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập; tổ chức các đợt sàng lọc UTCTC thông qua Chiến dịch Tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo số liệu báo cáo của hệ thống cộng tác viên dân số, trong năm 2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 69.107 phụ nữ trong độ tuổi 30-54 có chồng thực hiện sàng lọc UTCTC bằng các xét nghiệm như: Test Lugol/VIA, Pap’s mear, soi cổ tử cung... Qua đó, kịp thời chuyển tuyến chẩn đoán xác định hơn 200 trường hợp mắc UTCTC, tất cả đều được tư vấn và chuyển tuyến trên theo dõi điều trị.
UTCTC là bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Tiêm vắc xin trước lần quan hệ tình dục đầu tiên cho phép các chị em phụ nữ phòng ngừa UTCTC tới 70% nguy cơ. Hiện nay đang có 2 loại vắc xin phòng ngừa UTCTC được lưu hành là Tứ giá Quadrivalent (HPV 6, 11, 16, 18) và Cervarixgias Nhị giá (HPV 16, 18). Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm những vắc xin này thì phụ nữ cũng cần phải khám phụ khoa định kỳ ở bác sĩ chuyên khoa để nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh UTCTC thông qua thăm khám và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung. Phát hiện ra bệnh UTCTC sớm cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp việc điều trị căn bệnh này nhanh và hiệu quả. Sống lành mạnh ngay khi còn trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa UTCTC. |
Lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc phát hiện sớm hàng trăm ca UTCTC là hiệu quả rõ rệt mà chương trình sàng lọc đã mang lại. Việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì nó đã tạo cơ hội sống còn của hàng trăm con người, bởi với ung thư nói chung và UTCTC nói riêng, việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị khỏi bệnh cao với chi phí y tế thấp.
Tuy nhiên, điều hạn chế là hiện nay tỷ lệ sàng lọc UTCTC khá thấp, chỉ chiếm 22,76% phụ nữ trong độ tuổi 30-54 có chồng. Đặc biệt là tỷ lệ thực hiện sàng lọc này tại cơ sở y tế công lập chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ ở mức 22,3% so với tổng số phụ nữ có thực hiện sàng lọc; nhiều trạm y tế không cung cấp dịch vụ sàng lọc UTCTC; bên cạnh đó kiến thức của người dân về dự phòng và sàng lọc UTCTC chưa cao, chưa sẵn sàng tham gia thực hiện”.
Để khắc phục những hạn chế trên, nâng dần tỷ lệ sàng lọc UTCTC, để đến năm 2030, tỷ lệ này đạt 75% như mục tiêu, kế hoạch UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra, quan trọng là góp phần cải thiện sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, ngành Dân số sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông sàng lọc UTCTC cho người dân, nhất là phụ nữ độ tuổi từ 30-54 tuổi; tham mưu bố trí kinh phí bổ sung trang thiết bị phục vụ cho việc sàng lọc UTCTC như máy soi, siêu âm...; cử viên chức tham dự đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về sàng lọc ung thư cổ tử cung; tổ chức đào tạo viên chức cung cấp dịch vụ sàng lọc tuyến huyện, xã.
DỰ PHÒNG BỆNH LÀ TỐT NHẤT
Tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng UTCTC là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và cũng có thể điều trị dứt điểm khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Các yếu tố nguy cơ nhiễm vi rút HPV gồm: Quan hệ tình dục sớm, với nhiều người, không đúng cách; sinh nhiều con; viêm cổ tử cung mãn tính; nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; điều kiện dinh dưỡng, kinh tế - xã hội thấp… Đặc biệt, người hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV) cũng thuộc nhóm có nguy cơ mắc UTCTC cao.
Biện pháp phòng ngừa bệnh UTCTC là tránh các yếu tố nguy cơ. Biện pháp trước tiên được khuyến cáo là sống chung thủy một vợ, một chồng. Trên thực tế, nếu một người phụ nữ có nhiều bạn tình, khả năng lây nhiễm vi rút HPV càng cao. Ngoài ra, chung thủy một vợ, một chồng còn là cách phòng tránh an toàn các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV/AIDS, viêm gan B, vi rút HPV…
Bên cạnh đó, không quan hệ tình dục sớm, vì quan hệ tình dục ở tuổi dậy thì sẽ là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV. Do cơ thể con người trong giai đoạn này thường có khả năng tự bảo vệ rất kém trước sự tấn công của vi rút gây bệnh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở độ tuổi dậy thì cũng phát triển nhanh hơn do các màng nhầy đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm.
THỦY HÀ - THU THỦY