.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về y tế

Cập nhật: 14:52, 03/10/2024 (GMT+7)

Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tích hợp giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn tái khám trên các ứng dụng VNeID. Kết quả bước đầu khá tích cực, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính là căn cứ để mở rộng trên cả nước thời gian tới.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cùng với việc điều chỉnh các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) không còn phù hợp, các cơ quan liên quan cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để giúp giảm thủ tục hành chính, thuận lợi cho bệnh viện, người bệnh cũng như minh bạch trong công tác quản lý nhà nước, hạn chế thấp nhất trục lợi chính sách, trục lợi quỹ BHYT.

Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, việc thí điểm triển khai giấy chuyển viện và giấy hẹn tái khám điện tử là nỗ lực của Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực BHYT, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Việc triển khai bản điện tử mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực, giúp quản lý công tác chuyển tuyến BHYT; tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế...

Thêm vào đó, việc số hóa này sẽ giúp công khai và hạn chế hành vi gian lận hay giả mạo trong chuyển tuyến bệnh nhân, tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.

Quyết định số 643/QĐ-BYT Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 06/CP, trong đó có nhiệm vụ triển khai thí điểm giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên VNeID, hoàn thành trong tháng 12/2024. Từ ngày 1/7/2024, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã gửi dữ liệu điện tử hằng ngày theo Chuẩn dữ liệu 4750 lên cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sau hai tháng triển khai, đến tháng 9/2024, cả nước đã có 12.518 trong tổng số 12.693 cơ sở khám, chữa bệnh (chiếm 98,6%) gửi dữ liệu lên cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó có 11.972 cơ sở khám, chữa bệnh gửi đúng chuẩn định dạng dữ liệu (chiếm 95,64%).

Hiện nay, cả nước đã có 32,06 triệu hồ sơ được gửi lên cổng tiếp nhận, trong đó tuyến trung ương có 1,15 triệu hồ sơ, tuyến tỉnh có 7,23 triệu hồ sơ, tuyến huyện có 19,9 triệu hồ sơ, tuyến xã có 3,79 triệu hồ sơ. Đáng chú ý, đã có 911.696 giấy chuyển tuyến BHYT và 2.629.117 giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên cổng tiếp nhận.

Sau thời gian đầu còn gặp một số khó khăn, hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh đã quen với việc gửi dữ liệu hằng ngày lên cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó đã bao gồm cả dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại.

Các đơn vị cũng đã thực hiện được liên thông dữ liệu giấy chứng sinh và giấy chứng tử sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho nên việc triển khai thêm hai tiện ích này sẽ thuận lợi vì cùng cách thức triển khai tương tự.

Quá trình triển khai hạ tầng công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể chưa đáp ứng được khả năng đồng bộ kịp thời dữ liệu giấy chuyển tuyến BHYT sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong quá trình đồng bộ có thể có độ trễ nhất định, trong khi vấn đề chuyển tuyến cần phải kịp thời; do vậy, thời gian tới, cổng tiếp nhận sẽ ưu tiên tăng năng lực xử lý để đồng bộ dữ liệu giấy chuyển tuyến trước để bảo đảm tính kịp thời, dữ liệu giấy hẹn khám lại sẽ được đồng bộ lúc hệ thống không bị quá tải (ban đêm).

Bên cạnh đó, theo mẫu giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại cần có hai chữ ký của bác sĩ khám, điều trị và của đại diện cơ sở khám, chữa bệnh; điều này cũng dẫn đến những bất cập nhất định. Để hạn chế điều này, các đơn vị thống nhất tạm thời cho phép người ký số là người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu ủy quyền ký giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT hoặc giấy hẹn khám lại (tương ứng với ký bản giấy), chưa yêu cầu chữ ký số của bác sĩ khám, điều trị.

Bộ Y tế cũng đang tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung một số điều của Luật BHYT để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2024. Nhiều nội dung sẽ được chỉnh sửa, từ việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT đến sửa đổi quy định về khám, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.