.

Tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao

Cập nhật: 21:05, 23/10/2024 (GMT+7)

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học năm 2024 với chủ đề “Nghiên cứu và ứng dụng trong y học” do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 23-10, tại Hà Nội.

Hội nghị là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh.

 Các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: SKĐS
Các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: SKĐS


Phát biểu tại hội nghị, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép. Bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, tim mạch, tiểu đường... cũng ngày càng gia tăng.

Tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, và viêm phổi do virus. Song song với đó, các bệnh khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp, đang trở thành gánh nặng không chỉ đối với người cao tuổi mà cả người trẻ trong xã hội hiện đại.

Đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.000 ca mắc mới và khoảng trên 122.000 ca tử vong do ung thư.

Để đối phó với những thách thức trên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược toàn diện, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân.

Cụ thể là nghiên cứu khoa học y học phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội; ứng dụng các tiến bộ của công nghệ trong y học; phát triển hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển nhân lực nghiên cứu y học chất lượng cao.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...

Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, đến nay Việt Nam đã và đang trở thành một trong các điểm nghiên cứu quan trọng, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, đặc biệt là các nghiên cứu và ứng dụng trong y học thực hành.

Ngoài phiên toàn thể, hội nghị có 5 phiên chuyên đề về các bệnh: Ung thư, hô hấp, khớp, sản phụ khoa, da liễu. Tổng số sẽ có 26 bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đến từ: Tổng hội Y học Việt Nam, Trường đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà nội, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Quân đội 108, Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương...

(Theo qdnd.vn)

.
.
.