Cảnh báo và hướng dẫn chăm sóc trẻ khi dịch sởi bùng phát
(ABO) Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến giữa năm 2024, số ca sởi ghi nhận trên cả nước đã tăng 22,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đứng trước tình hình này, việc hiểu rõ các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc trẻ mắc sởi và cách ly đúng cách là điều vô cùng quan trọng để ngăn chặn sự lây lan và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
DỊCH SỞI BÙNG PHÁT
TP. Hồ Chí Minh chính thức công bố dịch sởi vào cuối tháng 8-2024 khi số ca bệnh tăng cao đột biến. Cùng với đó, 6 tỉnh khác như Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang và Hà Tĩnh cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có nguy cơ rất cao. WHO cảnh báo nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch và tiêm chủng kịp thời, nguy cơ lây lan trên diện rộng là không thể tránh khỏi.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến giữa tháng 8-2024, cả nước đã ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi ngờ sởi, trong đó 676 trường hợp dương tính với vi rút sởi, cao hơn gấp 6,9 lần so với cùng kỳ năm trước
Bệnh nhi mắc sởi đang được theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức chống độc nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. |
Nguyên nhân chính của đợt bùng phát lần này là do sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng trong thời gian đại dịch Covid-19. Nhiều trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ hoặc lỡ lịch tiêm dẫn đến tình trạng miễn dịch cộng đồng giảm sút. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh kém và sự di chuyển, tụ tập đông người tại các khu vực đô thị cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh sởi thường bắt đầu với các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, mắt đỏ và phát ban. Ban sởi xuất hiện từ mặt, sau đó lan xuống ngực, tay và chân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng như đau họng, mệt mỏi và biếng ăn. Đối với một số trường hợp nặng, sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy cấp hoặc suy dinh dưỡng.
Các dấu hiệu của biến chứng nặng cần lưu ý bao gồm sốt cao không hạ, khó thở hoặc thở nhanh, mệt mỏi li bì, không ăn uống được, co giật hoặc có dấu hiệu thần kinh bất thường. Khi phát hiện các triệu chứng này, người chăm sóc cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời, ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
CHĂM SÓC VÀ PHÒNG NGỪA
Đối với các trường hợp mắc sởi nhẹ, việc chăm sóc và điều trị tại nhà là rất quan trọng. Người chăm sóc cần đảm bảo thực hiện các biện pháp sau:
• Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ: Trẻ mắc sởi thường chán ăn, do đó, cần cho trẻ ăn các món dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo, súp và bổ sung nhiều nước. Vitamin A cũng rất cần thiết trong quá trình điều trị để tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ biến chứng.
• Vệ sinh cá nhân: Mặc dù trẻ mắc sởi có thể bị phát ban, vẫn nên vệ sinh cơ thể cho trẻ hằng ngày bằng nước ấm, đảm bảo da sạch sẽ và khô ráo. Đặc biệt, cần chăm sóc vùng miệng, mắt để tránh nhiễm trùng.
• Cách ly trẻ: Bệnh sởi có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, do đó, trẻ cần được cách ly tại nhà trong ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Người chăm sóc cũng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ và đảm bảo phòng cách ly luôn thông thoáng.
• Theo dõi các triệu chứng nặng: Người chăm sóc cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao kéo dài, khó thở hoặc xuất hiện co giật, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Về biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng. Sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nặng do vi rút sởi gây ra. Hiện nay, tiêm vắc xin đầy đủ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi. Hiện tại, chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục được triển khai tại các trạm y tế, với các chiến dịch tiêm bổ sung văc xin sởi dành cho trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, từ tháng 8 đến nay ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi ngờ sởi, trong đó 40 trường hợp dương tính với vi rút sởi, so với giai đoạn năm 2020 - 2023 là 0 trường hợp. Hiện đang có 7 trường hợp mắc sởi đang điều trị, trong đó có 1 ca nặng có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, tiêu chảy cấp. |
Ngoài ra, để ngăn ngừa lây nhiễm, cả người chăm sóc và bệnh nhân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác và hạn chế tiếp xúc gần với những người chưa được tiêm phòng. Các vật dụng cá nhân của trẻ mắc sởi như khăn, chăn, gối cũng cần được giặt riêng và khử trùng để tránh lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.
Dịch sởi hiện nay đang bùng phát trở lại với mức độ nguy hiểm cao. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, người dân cần chủ động tiêm vắc xin sởi cho trẻ, tuân thủ các biện pháp vệ sinh và chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh. Đặc biệt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu bệnh nặng để tránh những hậu quả đáng tiếc. Sự chủ động của cộng đồng sẽ là yếu tố quyết định giúp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh này trong thời gian tới.
THS.BS. NGUYỄN THÀNH NAM - T.H